Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất ổn nhưng ở nước ta, chỉ số GDP tăng 3,32%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

Có thể kể đến một số yếu tố làm tăng chỉ số CPI trong quý I năm nay như: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,17% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng; học phí giáo dục tăng 10,13% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; giá điện sinh hoạt tăng 2,71% chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán…Bên cạnh đó cũng có những yếu tố như làm chỉ số CPI giảm như: xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông.

Ở nước ta, CPI ở mức không phải là cao so với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, quý I/2023 năm nay, CPI cũng tăng khoảng 4,2% do nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát, thị trường của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào giá: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sắt thép… Vì vậy, bà Hương đề nghị đối với giá các dịch vụ, hàng hóa như y tế, giáo dục, điện… cần phải quản lý chặt chẽ và có lộ trình điều chỉnh cụ thể.

Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 3 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; Sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, quý I /2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 phục hồi tích cực, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Do đó, trong 3 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.