Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn rất nặng nề đối với cuộc sống của người dân và môi trường tự nhiên.

Số liệu do Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam công bố vào tháng 4/2018 cho thấy, cả nước có khoảng 800 nghìn tấn bom, đạn sót lại với gần 6,1 triệu héc ta diện tích bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm, chiếm khoảng 18% tổng diện tích của cả nước. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đều được xác định bị ô nhiễm bom, mìn với mức độ và tỉ lệ khác nhau. Trong đó, có địa phương diện tích bị ô nhiễm lên tới hơn 80%. Điển hình là Quảng Trị với tỉ lệ đất bị ô nhiễm chiếm tới 82% tổng diện tích đất tự nhiên.

Còn về mức độ ô nhiễm có thể kể đến tỉnh Quảng Bình. Từng làm công tác lãnh đạo, quản lý tại đây, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết nơi đây từng được mệnh danh là túi bom trong chiến tranh chống Mỹ. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng sự khốc liệt và hậu quả của nó đến nay vẫn còn. Bom, mìn còn sót lại tàn phá nặng nề môi trường sống và cướp đi sinh mạng của hàng vạn người. “151/151 xã phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình bị ô nhiễm bom, mìn. Tổng diện tích bị ô nhiễm lên tới 225 héc-ta. Trung bình mỗi m2 đất ở Quảng Bình gánh chịu 29 kg bom, đạn. Số bom, mìn còn nằm rải rác ở mọi địa hình, từ đồng bằng đến miền núi, ao, hồ, sông, suối…”, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hoàng chia sẻ.

Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom, mìn, vật nổ được 485 nghìn héc-ta. Tính đến nay, tuy diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn đã giảm nhưng vẫn còn rất lớn, khoảng 5,6 triệu héc-ta. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh còn là nguyên nhân khiến cho người dân ở những vùng đất bị ô nhiễm gặp nhiều khó khăn. Đây là thực tế diễn ra ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Anh Lý Văn Long với thương tật ở chân là một trong những trường hợp bị ảnh hưởng rõ nhất của thực trạng ô nhiễm bom, mìn trên địa bàn. “Ngày trước, trong lúc đi khai hoang đất rừng để làm ruộng, em dẫm phải mìn thì nó nổ, em ngất xỉu. Được bà con đến cứu giúp. Em được cứu sống nhưng bị cụt mất một bên chân”, anh Long đau xót kể lại.

Anh Long cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, với sức khỏe tốt, lại chăm chỉ làm ăn, nên anh từng khát khao cùng vợ vươn lên thoát nghèo với nghề trồng rừng. Tuy nhiên, cuộc sống của anh diễn ra không như mong đợi. Tai nạn cướp đi một bên chân, đồng thời xóa tan dự định về phát triển kinh tế trước đó của anh. Không thể lên rừng phát rẫy, làm nương, anh cũng mất đi thu nhập để nuôi sống bản thân và lo cho gia đình. Vì thế, phải vất vả lắm vợ chồng anh mới có thể lo cho một người con. “Vợ chồng em xác định chỉ đẻ một con. Đẻ thêm thì không đủ khả năng nuôi cho con ăn học”, anh Long chia sẻ.

Sống gắn bó nhiều năm nay với mảnh đất Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ông Bồn Văn Pằn cho biết trường hợp xảy đến với anh Lý Văn Long không phải duy nhất. Trong xã đã có hàng chục người bị thương, thậm chí tử vong vì vướng phải bom, mìn khi lên rừng làm nương. Vì thế, nơi đây, dù cuộc sống khó khăn, diện tích rừng còn nhiều nhưng bà con không dám tự ý lên rừng khai hoang. “Ở đây, khi nghe có tiếng nổ thì nhà nào cũng lo lắng về tai nạn bom, mìn, cứ gọi nhau, khi thấy nhà mình đông đủ mới thấy yên tâm”, ông Pằn cho biết.

Trâu, bò khi được chăn thả cũng chịu chung số phận. Theo anh Bồn Văn Cảo, đó là nguyên nhân khiến người dân ở một số thôn, bản của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang không thể khai hoang để làm nương, rẫy. Yếu tố này vô tình cản trở sự phát triển về kinh tế của gia đình anh cũng như bà con nơi đây. “Ở địa phương đã có 4-5 trường hợp đi làm, dẫm phải mìn và bị mất chân, mất tay. Trâu bò đi cày cấy, cũng có một số con bị như vậy. Chúng tôi mong Nhà nước đẩy mạnh rà phá bom, mìn, làm sạch đất để bà con chúng tôi có thêm đất canh tác”, anh Cảo bày tỏ.

Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đang là hiểm họa, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây cũng là trở ngại đối với sự phát triển về kinh tế, xã hội ở các thôn, bản của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang nói riêng và các địa phương bị ô nhiễm bom, mìn nói chung.

Nghe bài viết dưới đây.