Sự kiện là nơi các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn những liên quan đến việc sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam), nhằm giải quyết những vướng mắc về giấy phép lao động cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đây là Nghị định có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh sự kết nối quan trọng giữa giữa nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam và thành công của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây. Ông GaborFluit cũng chia sẻ về những vướng mắc, hạn chế khi chuyển giao kỹ thuật và kiến thức của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham đánh giá cao những hỗ trợ và sự quan tâm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ LĐTBXH đối với những vấn đề sửa đổi Nghị định 152.

Đồng chủ tịch Tiểu ban Nhân lực và Đào tạo thuộc EuroCham - ông Khuất Văn Trung đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đơn giản hóa quy trình xin giấy phép lao động. Tuy nhiên, ông Trung cũng nhấn mạnh rằng các thủ tục ngày càng khắt khe và rườm rà hơn đối với người lao động nước ngoài kể từ thời điểm Nghị quyết 105 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022.

Trong suốt buổi thảo luận, cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đưa ra các khuyến nghị để hoàn thiện Nghị định 152. Trọng tâm chính của những khuyến nghị này xoay quanh việc cân nhắc điều chỉnh các yêu cầu về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc để phù hợp với tình hình thực tế, từ đây thúc đẩy một quy trình đăng ký thuận lợi hơn.

Một vướng mắc khác cũng được các doanh nghiệp đề cập nhiều tại Hội nghị là nhu cầu loại bỏ hạn chế về số lần được gia hạn giấy phép lao động. Theo quy định hiện hành, chỉ một lần gia hạn được cho phép, dẫn đến việc người nộp đơn phải làm lại toàn bộ quy trình đăng ký sau một thời gian ngắn.

Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp rất mong muốn có một mẫu đăng ký chính thức và tiêu chuẩn từ trung ương đến địa phương. Biện pháp này không những giúp hoàn thiện và đơn giản hóa toàn bộ quá trình mà còn đảm bảo sự đồng bộ trên toàn quốc trong việc quản lý về mặt pháp lý việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH cũng chia sẻ định hướng sửa đổi trong Nghị định 152 của Bộ. Những thông tin này phản ánh quan điểm góc nhìn và ưu tiên từ các cơ quan quản lý mà Chính phủ đề ra liên quan tới quy trình sửa đổi, cùng với những khó khăn mà họ gặp phải khi soạn thảo Nghị định sửa đổi. Những vấn đề mà các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội nghị đặt ra đã nêu lên những trở ngại cụ thể và tìm kiếm các giải pháp thiết thực để đơn giản hóa quy trình đăng ký giấy phép lao động.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tuân thủ luật pháp và đào tạo nhân sự Việt Nam đồng hành cùng tầm nhìn của Việt Nam việc bồi dưỡng lực lượng lao động chất lượng cao. Nhận thấy nhu cầu hết sức lớn với chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao và kỹ thuật cao, ông Bouflet nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nghĩa vụ theo các Hiệp định thương mại tự do để tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, ông Bouflet cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp lý hóa quy trình thủ tục và cách diễn giải linh hoạt hơn về các quy định để đẩy nhanh và đơn giản hóa quá trình xin giấy phép lao động cho người nước ngoài. Ông Bouflet khẳng định, việc cấp giấy phép lao động kịp thời là rất quan trọng để thu hút các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam và duy trì Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ Dự thảo Nghị định sửa đổi vào tháng 7 năm 2023, khoảng thời gian được Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh nhiều lần trong buổi đối thoại. Ông Vũ Trọng Bình,Cục trưởng Cục Việc làm khẳng định mong muốn của Bộ LĐTB&XH trong việc thu thập ý kiến đóng góp thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài sau khi dự thảo được đưa ra./.