Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tới hơn 226.500 người, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39 chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần và thường là những người có số năm đóng BHXH thấp. Trong giai đoạn 2014 - 2018, có gần 50% số người đã hưởng BHXH một lần chỉ có dưới 3 năm đóng BHXH.

Trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, đây là thực trạng rất đáng lo ngại. Bởi việc rút BHXH một lần, khi về già, người lao động sẽ không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và tạo gánh nặng cho xã hội. Bà Hương nhấn mạnh, vai trò của BHXH hưu trí là cho dài hạn khi về hưu người lao động có lương. Cùng với đó, BHXH là sự chia sẻ giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước mục tiêu để đảm bảo an sinh xã hội.

“Việc lựa chọn hưởng BHXH 1 lần sẽ khiến người lao động thiệt đơn thiệt kép về quyền lợi trước mắt và cả lâu dài. Khi nhận BHXH 1 lần, cũng có nghĩa là người lao động tự tước đi cơ hội hưởng lương hưu của chính mình và không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già” - bà Hương phân tích.

Theo bà Hương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng BHXH một lần. Trong đó, phải kể đến cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch covid- 19; nhiều người lao động chưa hiểu hết về lợi ích của chính sách BHXH; hệ thống chính sách BHXH chưa linh hoạt và thực sự hấp dẫn; thủ tục hưởng khá dễ dàng…

Ngoài ra một nguyên nhân nữa cũng được bà Hương nêu ra, đó chính niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH của nước ta hiện nay chưa cao. Họ chưa thực sự cảm thấy yên tâm khi mà khoản tiền tích lũy về già thiếu sự công khai, minh bạch.

Để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, hạn chế tình trạng người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần, PGS.TS Nguyễn Lan Hương cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH một cách đồng bộ, toàn diện. Hệ thống BHXH phải được điều chỉnh theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đặc biệt theo bà Hương, thực chất tiền lương hưu vẫn thuộc quyền quản lý của người lao động vì đó một phần thu nhập của họ. Do đó cần sửa đổi chính sách theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Đây là một giải pháp rất quan trọng.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) với hướng khuyến khích người lao động bảo lưu tiền BHXH để hưởng lương hưu thay vì hưởng BHXH một lần.

Theo đó, dự thảo quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được điều chỉnh theo hướng chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp (trừ trường hợp ra nước ngoài hoặc mắc bệnh hiểm nghèo); Giảm điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, để khuyến khích người lao động nhận lương hưu thay vì rút BHXH một lần.

Việc nhận BHXH một lần không chỉ đem lại những thiệt thòi cho người lao động mà còn tạo áp lực đối với việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Do đó, bên cạnh việc cải cách chính sách BHXH linh hoạt, hấp dẫn hơn, tạo điều kiện hơn cho người lao động thì rất cần sớm thực hiện việc sửa đổi và thắt chặt quy định nhận BHXH một lần và xây dựng cơ chế để người lao động có việc làm bền vững hơn…..