Nước ta nằm trong nhóm 20 nước có lượng rác thải nhiều nhất, cao hơn mức trung bình 10% của thế giới. Đặc biệt, mỗi ngày tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thải ra môi trường 80 tấn rác thải nhựa. Tái chế rác là một trong những cách hữu hiệu làm giảm lượng rác chôn lấp, bớt ô nhiễm môi trường, mang lại giá trị kinh tế và hướng tới sự phát triển bền vững.

Không ít các giải pháp tái chế rác được đưa ra nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường ngày một nhiều. Tái chế rác thải thành mô hình dạy và học, khiến học trò hứng thú hơn với các tiết học là ý tưởng đặc biệt của thầy Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ở Thanh Xuân, Hà Nội. Không chỉ giúp học sinh tích lũy kiến thức dễ dàng hơn, ý tưởng tái chế rác của thầy Quyết còn góp phần mang lại môi trường sống xanh hơn.

Từ những năm tháng còn là học sinh, thầy Nguyễn Hữu Quyết đã có suy nghĩ làm thế nào biến những đồ dùng mọi người vứt đi thành những vật dụng có ích. Bạn bè ngày đó còn trêu đùa thầy là “Người rác” bởi đi đâu cũng thấy cậu học trò xin rác về. Thế nhưng khi những sản phẩm từ rác hoàn thiện được đăng tải trên mạng xã hội, mọi người đều trầm trồ và thay đổi cách nhìn về tái chế rác. Chính điều ấy đã thôi thúc thầy khi trở thành giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục với công việc tái chế rác. Nhất là khi giáo dục ứng dụng mô hình dạy học trực quan gắn liền với các hoạt động trải nghiệm.

Theo số liệu thống kê, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có hơn 1000 học sinh, trung bình 1 ngày sẽ thải ra môi trường khoảng 600 chai nhựa, 200 túi nilon và hơn 300 loại giấy, rác… Vậy là chai nhựa, xốp, nắp chai bỏ đi...đều được thầy Quyết và các học trò thu gom, phân loại và tạo thành mô hình học tập sinh động.

Đến nay, phần lớn các bộ môn trong trường từ khoa học xã hội tới khoa học tự nhiên đều có thiết bị học tập trực quan và đều được làm từ rác. Các mô hình về chủ quyền biển đảo hay tái hiện chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng; đại thắng mùa xuân năm 1975 là những sản phẩm được thầy Quyết và các học trò vô cùng thích thú khi nhắc đến. Ngoài ra còn rất nhiều các mô hình khác như tái hiện lịch sử phát triển loài người bằng xốp và bã kẹo cao su; mô hình học vật lý, hóa học từ chai nhựa và bìa...Việc làm ý nghĩa của thầy Quyết đã truyền cảm hứng, giúp các em học sinh hình thành thói quen phân loại rác thải và tái chế rác.

Không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đề tài “Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh phổ thông” của thầy Quyết đã lọt top 15 công trình, sáng kiến tại vòng chung khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020”. Công trình gây ấn tượng lớn cho Ban giám khảo khi các giáo cụ trực quan phục vụ việc dạy và học lại được làm từ rác.

Miệt mài với các hoạt động tái chế, điều thầy Quyết và các học trò mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng được một bảo tàng đồ dùng học tập từ rác.

Vậy là, những vật dụng tưởng chừng bỏ đi đã trở thành những thiết bị giáo dục dưới bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của thầy Quyết và các học trò. Ý tưởng của thầy đã truyền cảm hứng đến nhiều người, tạo sự yêu thích khi tái chế và góp phần giảm rác thải ra môi trường.