Ngày 24/3, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Bộ GD-ĐT, mặc dù có nhiều nỗ lực, song với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học tuy tăng những vẫn còn thấp so với cả nước. Đây là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác. Vừa phải giải quyết yêu cầu khó theo kịp các vùng khác nhưng lại phải thực hiện đổi mới như mọi vùng, cùng với đó là làm nhiệm vụ với đồng bào dân tộc.

Từ đặc điểm của một vùng có tỷ lệ người dân theo học bậc đại học thấp nhất cả nước, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, nâng cao tỷ lệ người đi học đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng Tây Nguyên là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Trao đổi về một số nhiệm vụ lớn đặt ra trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với đề nghị, các địa phương sẽ có những tổng kết, đánh giá đầy đủ, khách quan những việc làm được, chưa làm được và kiến nghị tối đa những vấn đề còn vướng mắc và mong muốn.

Liên quan tới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai trên cả nước, Bộ trưởng lưu ý việc thực hiện không cứng nhắc, không nóng vội. Đồng thời các địa phương cần dành sự ưu tiên cao độ đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, nhân lực cho hai năm 2023-2024.

“Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới các tỉnh khó khăn cần đặc biệt lưu ý, nếu triển khai không khéo, không tập trung nguồn lực có thể làm gia tăng khoảng cách giữa các tỉnh và các vùng miền về giáo dục”, Bộ trưởng nói.

Ông Sơn cũng lưu ý với các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện đúng 20% nguồn chi ngân sách cho giáo dục; tập trung cho kiên cố hoá trường học; sắp xếp quy mô thận trọng, hợp lý; phát huy hơn nữa xã hội hoá giáo dục, trong đó vừa quan tâm, tạo điều kiện, vừa thực hiện đầy đủ quản lý nhà nước đối với công tác xã hội hoá…

Hiện tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường của Tây Nguyên đạt 99,6% - cao hơn so với bình quân cả nước và đứng thứ 3 toàn quốc.

100% trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày - cao hơn bình quân cả nước và cao hơn cả vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm học 2020-2021, 5/5 tỉnh khu vực Tây Nguyên duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 94,1%; Tỷ lệ cơ sở giáo dục THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 84%, tăng gần gấp đôi so với cách đây 10 năm.

Vùng Tây Nguyên hiện có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của các trường đại học, 4 trường cao đẳng sư phạm và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy mô sinh viên đại học của vùng là 30.221 sinh viên. trong đó, sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm 13,3%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 50,2%.