Chiều 6/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của Bộ GD-ĐT đã báo cáo về tình hình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó tập trung làm rõ những điểm khác biệt giữa chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục phổ thông 2006, quá trình thẩm định sách giáo khoa, tập huấn, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; một số kết quả triển khai, những khó khăn, giải pháp và định hướng để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã trao đổi một số nội dung đại biểu, cử tri quan tâm như giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, nhất là đối với các môn học mới, lộ trình đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp, các môn nghệ thuật; chất lượng biên soạn sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo khách quan, minh bạch; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trong đó cần sự vào cuộc của cả nước với nhiệm vụ này; quan tâm tới đặc thù vùng miền, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục khi triển khai chương trình…

Một số đại biểu nhận định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất hay, nhưng triển khai trong thực tiễn sẽ có khó khăn. Từ đó, đại biểu cho rằng trách nhiệm của Bộ GD-ĐT rất nặng nề, cần có sự chia sẻ của nhân dân, cử tri với ngành Giáo dục. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Bộ GD-ĐT làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để xã hội hiểu được đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới, những điểm thay đổi căn bản so với chương trình 2006, qua đó chia sẻ và đồng hành với quá trình đổi mới, nhìn nhận có những việc của quá trình đổi mới phải làm từ từ, có lộ trình.

Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thể hiện tầm nhìn rộng lớn, tính lý tưởng, tính toàn diện, tầm mong đợi, kỳ vọng rất cao. Có điểm có thể làm được ngay, nhưng có điểm đặt ra để đi trong nhiều năm và trong quá trình đi có thể điều chỉnh.

Theo Bộ trưởng, mặc dù triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh khó khăn, song toàn ngành triển khai với tâm thế hào hứng, lạc quan. Thực tế cho thấy, mọi thứ đang thay đổi, ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua. Từ thực tế này, Bộ trưởng mong muốn, trong quá trình giám sát, các đại biểu Quốc hội sẽ ghi nhận khách quan từ cơ sở cả những thuận lợi và khó khăn, những kết quả đã đạt được và hạn chế cần khắc phục.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi, câu hỏi, nêu các vấn đề cần điều chỉnh từ đại biểu Quốc hội, bởi quá trình thực hiện còn là quá trình điều chỉnh.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định: Giám sát về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là chuyên đề khó, rất chuyên sâu. Buổi làm việc với Bộ GD-ĐT giúp đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có thêm thông tin, hiểu sâu hơn về chương trình, có cái nhìn đa chiều khi triển khai thực hiện giám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.