Ở Trường Điện - điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên nào cũng biết cô "Hương Còi "- cách gọi thân thương với PGS.TS Trương Thu Hương- MC đồng thời là người "cầm chịch" các chương trình "Chào tân sinh viên", Gala Dinner và đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, người thường dẫn đoàn sinh viên "đem quân đi đánh xứ người"...

Mảnh dẻ nếu không nói quá là rất gầy nhưng vóc dáng "mình hạc xương mai" ấy trái ngược hẳn với sự thông minh, linh hoạt và nhiệt huyết của cô giảng viên rất có gu thời trang này. "Thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt"; "chị ấy giỏi lắm, mỗi năm mấy bài báo quốc tế đấy!" là nhận xét của đồng nghiệp trong khoa về PGS.TS Trương Thu Hương. Hiện là Phó Trưởng khoa, Giảng viên cao cấp Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội; thành viên của Future Internet Lab, PGS.TS Trương Thu Hương trực tiếp hướng dẫn hơn 20 sinh viên bậc cử nhân/kỹ sư thuộc các chương trình chuẩn, chương trình tài năng, chương trình tiên tiến, cũng như chương trình quốc tế. Ngoài ra, cô Trương Thu Hương còn là người hướng dẫn nhiều nhóm học viên cao học và nghiên cứu sinh đang thực hiện nghiên cứu các chủ đề rất hot hiện nay về An ninh mạng cho mạng IoT và truyền dẫn video thực tế ảo (VR) ....


Hướng nghiên cứu của PGS.TS Trương Thu Hương gồm các lĩnh vực: An ninh mạng; truyền dẫn Video, Video 360 độ; đảm bảo QoE/QoS cho dịch vụ mạng; Kiến trúc Edge Cloud cho mạng IoT, ứng dụng IoT, Ứng dụng Thực tế ảo; Kỹ thuật mạng xanh, Kỹ thuật mạng điều khiển bằng phần mềm (SDN), điều khiển lưu lượng trong các mạng thế hệ mới, NFV.

Năm học 2021-2022, PGS.TS Trương Thu Hương tiếp tục theo đuổi hai chủ đề NCKH với định hướng:

1. Nghiên cứu giải pháp phát hiện lỗi, bất thường và tấn công trong các hệ thống công nghiệp dựa trên nền tảng IoT.
Các hệ thống thông tin, đặc biệt các hệ thống kiểm soát công nghiệp hiện nay được xây dựng trên các kiến trúc Internet vạn vật, dễ nảy sinh các bất thường/tấn công vào hệ thống kiểm soát trung tâm đến từ nhiều vùng phân tán. Vì thế cần phát triển các giải pháp phát hiện bất thường hiệu quả trên các thiết bị IoT phân tán,vốn có năng lực tính toán giới hạn đó.

2. Nghiên cứu truyền dẫn video 360 độ (hay còn gọi là VR - Thực tế ảo) trễ thấp.

Trong bối cảnh đại dịch, con người cần chuyển sang làm việc ở chế độ kết hợp linh hoạt vừa offline, vừa online, dịch vụ truyền dẫn VR (video cong - hay video 360 độ) trở nên quan trọng và là xu hướng thế giới tiến tới nhằm đem lại trải nghiệm sống động như ngoài đời thật cho những người dùng tham gia vào ứng dụng như phòng học hay phòng họp trực tuyến. Tuy nhiên thách thức chính là video cong rất nặng, chiếm dụng băng thông đường truyền rất lớn. Vì thế cần có giải pháp điều khiển thích nghi nhằm truyền dịch vụ video 360 độ để tiết kiệm chi phí băng thông nhưng vẫn mang lại cho người dùng trải nghiệm trơn tru, mượt mà.

Năm học 2021-2022, PGS.TS Trương Thu Hương đã đăng 6 bài báo khoa học trong danh mục tạp chí SCIE-Q1, 1 bài SCIE-Q2, và 2 bài tạp chí Scopus. Trong đó xuất bản có tầm ảnh hưởng nhất là xuất bản trên tạp chí Elsevier Computers in Industry với FWCI: 6.8, IF: 11.245.

Trước đó, năm học 2020-2021, PGS.TS Trương Thu Hương được vinh danh "Cán bộ tiêu biểu thu hút tài trợ và hợp tác nghiên cứu" của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đạt được danh hiệu này, cô giáo Trương Thu Hương cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Thời điểm đó, cô chia sẻ: "không xác định nỗ lực để được vinh danh mà chỉ mong muốn năm sau sẽ làm tốt hơn năm nay, đặt mục tiêu cố gắng cải thiện công tác giảng dạy, nghiên cứu; kéo dự án về trường và phát triển tất cả các mặt công tác khác."

Với những cống hiến,đóng góp của mình , năm 2022 PGS.TS Trương Thu Hương được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu năm 2022; được Đại học Bách khoa Hà Nội vinh danh là 1 trong 3 “Tác giả chính công trình khoa học có ảnh hưởng”.