Cần những nhận thức đúng về hoạt động Đoàn trong trường đại học

Đại học trong quan niệm của nhiều bạn trẻ là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị kiến thức chuyên sâu về ngành nghề, sẵn sàng để bước vào thị trường lao động nhiều thách thức. Tuy nhiên theo anh Trần Việt An, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Đoàn thanh niên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức, các bạn trẻ còn cần rèn luyện nhiều kĩ năng khác nhau, không chỉ đơn thuần làm các công việc chuyên môn sâu. Kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp, kể cả kĩ năng lãnh đạo đều cần thiết. Và trường đại học chính là môi trường tốt nhất để các bạn trẻ rèn luyện cùng lúc cả kiến thức lẫn kĩ năng. Hoạt động Đoàn ở giai đoạn này góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện bản thân ở mỗi bạn trẻ.

“Ví dụ như giải thưởng “Sinh viên 5 tốt” trang bị cho các bạn đủ 5 kĩ năng để xây dựng nên một cá nhân toàn diện. Nếu ở cấp THPT các bạn mới chỉ tiếp xúc hoạt động Đoàn ở dạng gợi mở vì nhiệm vụ vào đại học lúc này còn khá nặng nề. Nhưng vào đại học, công tác Đoàn cung cấp cho các bạn những kĩ năng không chỉ các hoạt động bề nổi mà gồm cả các hoạt động tập trung vào chuyên môn. Các cuộc thi học thuật chẳng hạn sẽ trang bị cho mỗi bạn đoàn viên kiến thức làm nghề, cách thức trình bày vấn đề trên sân khẩu nhiều người”, anh Việt An phân tích.

Cá nhân anh Trần Việt An nhớ những năm tháng đầu tiên trở thành sinh viên Đại học, từ quê hương ở miền Trung ra Hà Nội học, mang theo rất nhiều bỡ ngỡ, lo lắng trước một “chân trời quá rộng lớn”. Chính những hoạt động Đoàn với mô hình các câu lạc bộ (CLB) trường Đại học đã giúp anh và nhiều bạn học từng bước hoàn thiện các kĩ năng.

“Tham gia CLB thuyết trình, MC giúp mình tự tin hơn, linh hoạt hơn khi xuất hiện và cần phải bày tỏ quan điểm trước đám đông. Và khi mình trở thành giảng viên thì việc trao đổi với các bạn sinh viên đã trở nên rất thoải mái. Hay những phong trào sinh viên như Chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh với việc cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân trong 7 đến 10 ngày giúp các bạn hiểu thực sự những khó khăn của người dân vùng sâu vùng xa, thuần thục cách làm việc nhóm. Tất cả những điều này khiến khi các bạn bước vào công việc sẽ có góc nhìn rộng hơn, biết cách kết nối với các đồng nghiệp”, anh Việt An phân tích giá trị của việc tham gia các hoạt động Đoàn khi bước vào bậc Đại học.

-"Bước vào ngưỡng cửa Đại học em tâm niệm chỉ tập trung vào việc học. Nhưng sau đó tham gia Đoàn hội em được giúp đỡ rất nhiều và từ đó tham gia nhiều hoạt động trong và ngoài nhà trường. Nhận giải thưởng "Sao tháng Giêng" em vui và bất ngờ. Mình tham gia hoạt động được gặp các anh chị, học hỏi được về giao tiếp và cách thức điều hành các hoạt động. Tuổi trẻ mình cần nhiệt huyết, tham gia hết mình và không toan tính quá nhiều".

Võ Văn Lít, sinh viên Đại học Đà Nẵng, giải thưởng "Sao tháng Giêng" năm 2022

- "Có nhiều bạn nghĩ rằng đi học đại học thì chỉ cần tập trung vào mỗi việc học mà lãng quên các yếu tố khác. Nhưng tham gia các hoạt động Đoàn như thanh niên tình nguyện, mùa hè xanh cho chúng em cơ hội rèn luyện và trưởng thành".

Nguyễn Thế Thành, sinh viên Đại học Thái Nguyên lần thứ 3 nhận giải thưởng "Sinh viên 5 tốt

Làm sao để thu hút tuổi trẻ các trường Đại học tham gia hoạt động Đoàn?

Dù mang lại giá trị lớn cho việc hoàn thiện bản thân nhưng trên thực tế, hoạt động Đoàn ở nhiều nơi, trong đó gồm cả ở các trường khối Đại học vẫn chưa thực sự tạo được sức hút.

Về điều này, Nguyễn Thị Nga, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, người vừa đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng 2022” cho rằng có phần từ nhận thức của mỗi bạn trẻ. Đa phần các bạn vẫn cho rằng bước vào đại học chỉ cần tập trung vào chuyên môn sâu, sẵn sàng bước chân vào thị trường lao động ngay khi tốt nghiệp.

Một lí do nữa nằm ở việc nhiều hoạt động được tổ chức quy mô có thể rộng nhưng lại chưa “chạm” được vào mong muốn cũng như mang tính cá thể hóa, đáp ứng nguyện vọng, năng lực của từng đoàn viên.

Anh Trần Việt An cũng thừa nhận việc thu hút thanh niên vào hoạt động Đoàn từ lâu vẫn được xem như bài toán khó giải ở khối trường Đại học. Thêm vào đó, nếu mỗi bạn trẻ chưa thực sự có những trải nghiệm các hoạt động tập thể từ cấp tiểu học, THCS như hoạt động Đội rồi tiếp đến hoạt động Đoàn ở các cấp học tiếp theo sẽ thiếu đi sự tự tin trong việc tham gia các hoạt động ngoài nhiệm vụ học tập tri thức.

Nhưng để cac bạn trẻ nhận ra giá trị cũng như tham gia hoạt động đoàn chủ động, việc tổ chức cũng cần có những thay đổi. Ở đây theo Nguyễn Nga, sinh viên đạt giải “Sao tháng Giêng 2022”, bắt đầu thay đổi từ cách thức truyền thông làm sao để hiệu quả, tránh cách thức tuyên truyền khẩu hiệu hình thức.

Tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo anh Việt An mô hình CLB được khai thác hiệu quả nhờ vào việc cá nhân hóa nhu cầu, mong muốn của các bạn sinh viên. Các hoạt động cũng không tổ chức dồn dập vào một thời điểm mà rải đều trong năm. Bên cạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sẽ có chuỗi hoạt động thiên về học thuật. Các CLB bám sát nhu cầu đó để tổ chức các hoạt động phù hợp và theo một cách tự nhiên nhất thu hút các bạn trẻ chủ động tham gia.

“Chương trình chào đón sinh viên mới, chúng tôi lựa chọn khách mời là những ca sỹ đang được các bạn yêu thích khiến các bạn rất hứng thú. Ngoài ra mỗi năm hai kì khảo sát, ngoài khảo sát về chuyên môn cũng có khảo sát về hoạt động Đoàn, các em mong muốn gì ở các hoạt động để từ đó xây dựng các nội dung thiết thực, đáp ứng mong mỏi và tạo nên tính hấp dẫn với sinh viên”, anh Việt An chia sẻ thêm.

Bên cạnh giải bóng đá quy mô rộng, tạo sân chơi thể thao cho các khoa trong trường, Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn tổ chức nhiều cuộc thi mô hình khởi nghiệp liên quan đến các chuyên ngành học. Ngoài ra còn phải kể đến CLB sinh viên toàn cầu nhằm tạo kênh kết nối với sinh viên ở nhiều quốc gia khác... Tất cả đã góp phần đa dạng hóa phương thức, đáp ứng nhu cầu của tất cả đoàn viên nhà trường.

Ở khá nhiều trường đại học, tham gia công tác Đoàn được xem như một thành tố tính điểm xét học bổng cho sinh viên. Ngay ở trường Đại học Kinh tế Quốc Dân đã có một phần mềm riêng để các Đoàn viên biết các hoạt động trải dài và rộng suốt năm học.

"Mỗi sự kiện tham gia, các bạn đoàn viên sẽ được phần mềm tính điểm cầu thành học bổng. Ban đầu có thể các bạn sinh viên tham gia chỉ nhằm mục tiêu có điểm cộng. Nhưng chính quá trình tham gia mỗi chương trình, mỗi sự kiện đã được cá nhân hóa sẽ tạo sức hút tự nhiên cho việc mỗi bạn sinh viên sẽ tự nguyên tham gia nhiều hoạt động khác", anh Việt An chia sẻ.

Nguyễn Nga tán thành việc tính điểm hoạt động Đoàn trong xét học bổng khi cho rằng, cùng lúc phải trải mình tổ chức nhiều hoạt động sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới kết quả học tập, nếu không có hình thức cộng điểm khuyến khích sẽ khiến các bạn khó lòng đầu tư công sức và nhiệt huyết cho tất cả các hoạt động tập thể.

Trải qua gần 3 năm đại dịch Covid với hình thức học tập trực tuyến, anh Việt An nhận ra việc “ẩn mình” xảy ra trong các bạn đoàn viên khi cuộc sống học tập trực tiếp bình thường trở lại. Năm 2022 được xem như giai đoạn chuyển tiếp buộc các bạn thích nghi dần trở lại nên kĩ năng càng được xem như yếu tố cần bổ khuyết ngay bằng các hoạt động Đoàn.

Đoàn thanh niên trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ rất nhiều hoạt động khác nhau đã khẳng định vai trò hạt nhân nòng cốt, tiên phong trong phong trào thanh niên và phong trào thi đua của thành phố Hà Nội. Một trong những lí do làm nên thành tích này có lẽ chính ở việc Đoàn thanh niên trường dám chọn việc khó, sáng tạo các mô hình mới tạo nên sức lan tỏa và thu hút.

Các hoạt động như Thanh niên tình nguyện cũng có những thay đổi. Cụ thể như ở chiến dịch Mùa hè xanh, Đoàn trường kêu gọi các đơn vị khác cùng tham gia để tạo nên nguồn lực kinh phí lớn hơn cho việc đầu tư xây dựng các điểm trường cho học sinh vùng cao.

“Nếu từng cá nhân sẽ không làm được nhưng khi thu hút sức trẻ ở quy mô lớn sẽ tạo nên thành quả lớn hơn, giá trị hơn", anh Việt An khẳng định.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi: