Thi học kỳ trực tuyến khó đảm bảo chất lượng nhưng là giải pháp chấp nhận được

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHQG Hà Nội) là trường phổ thông đầu tiên trên địa bàn Hà Nội lên lịch tổ chức thi học kỳ 2 năm học 2020-2021 bằng hình thức trực tuyến.

TS. Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho biết, việc tổ chức thi học kỳ trực tuyến chỉ là hình thức tạm thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Nhà trường cố gắng chuẩn bị đề thi, nền tảng kỹ thuật, quy chế phòng thi… để giảm thiểu tối đa gian lận thi cử.

Tuy nhiên, bà Thảo cũng thừa nhận, vì học sinh làm bài ở xa nên việc tổ chức thi trực tuyến sẽ có những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của giáo viên. Ví dụ, học sinh có thể có sự hỗ trợ của người khác trong quá trình làm bài… Nhà trường chỉ có thể nâng cao tính cảnh báo và quy chế nghiêm khắc nếu học sinh vi phạm.

Để thận trọng, trước mắt, trường THPT chuyên Ngoại ngữ chỉ tổ chức thi trực tuyến đối với khối lớp 10, 11 và với các môn Lịch sử, Địa lý, GDCD, Lý, Hóa.

“Các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 là những môn quan trọng để xếp loại học lực học sinh nên trường khá thận trọng trong việc tổ chức hình thức thi. Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, trường cần có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa. Bên cạnh đó, dạng thức thi các môn thi này cũng sẽ kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận do vậy trường cần có thời gian để chuẩn bị tốt hơn” – TS. Lại Thị Phương Thảo cho biết.

Trao đổi với PV. VOV2, ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rẳng, thi trực tuyến khó lòng đảm bảo chất lượng và sự nghiêm túc so với thi tập trung. Tuy nhiên, trường cũng đang chuẩn bị phương án cho học sinh thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến trong điều kiện học sinh không thể đến trường.

“Sự an toàn của học sinh, giáo viên là quan trọng nhất. Chúng ta phải chấp nhận một kết quả thi trực tuyến cho dù nó không làm cho chúng ta có sự tin tưởng tuyệt đối. Hiện trường đang tìm hiểu, thử nghiệm phần mềm thi để đảm bảo việc thi trực tuyến có được kết quả tốt nhất. Trong đó, phải đảm bảo mỗi học sinh một đề thi khác nhau. Khi cá nhân hóa đề thi thì chắc chắn công sức mà giáo viên phải bỏ ra là vô cùng lớn” – Ông Đào Tuấn Đạt chia sẻ.

Sau 16/05 học sinh không thể đến trường thì phải tổ chức thi học kỳ trực tuyến

Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có quy định, việc kiểm tra đánh giá định kỳ, dù học trực tuyến, học sinh vẫn phải đến trường để thực hiện trực tiếp.

Tuy nhiên, Thông tư 09 cũng quy định trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, Hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, từ giờ đến ngày 31/05 vẫn còn 3 tuần nữa. Căn cứ vào tình hình thực tế, nếu việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đáp ứng được yêu cầu thì các trường phải điều chỉnh lịch để khi học sinh quay trở lại trường học có thể tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ vào tuần thứ 3 của tháng 5.

“Nếu trong trường hợp sau thời điểm 16/05 học sinh không thể đến trường, trong điều kiện bất khả kháng đó, hiệu trưởng các nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá học kỳ bằng hình thức trực tuyến cho học sinh. Thông tư 09 cũng quy định, việc kiểm tra-đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến phải đảm bảo yêu cầu đánh giá khách quan, trung thực, công bằng. Đặc biệt, có phương án đánh giá đúng năng lực học sinh như thông tư đã quy định” – Ông Thành cho biết.

Chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất nhận định, việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập. Việc có một máy tính, một đường truyền ổn định riêng không phải học sinh Hà Nội nào cũng đáp ứng được. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần phải có hướng dẫn cụ thể, học tập trực tuyến trên nền tảng nào? Có thể kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến nhưng việc tổ chức kiểm tra như thế nào?

“Về mặt công nghệ, việc kiểm tra trực tuyến hiện nay chưa thể đảm bảo khách quan. Hiệu trưởng các nhà trường cũng khó có thể giải được bài toán dùng phầm mềm thi nào để khách quan, trung thực. Chúng ta đang đẩy cái khó cho nhà trường” – TS. Lê Thống Nhất nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lê Thống Nhất cũng cho rằng, trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, để kết thúc năm học theo đúng kế hoạch, có thể chúng ta phải chấp nhận có những phần kiến thức phải gác lại và chấp nhận một “chất lượng giáo dục” trong mùa dịch.