Ngôi nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi nằm khuất sau mấy hàng cây xà cừ xanh mướt là của bà Đào Thị Liên. Năm nay bà cũng đã gần 80 tuổi. Ông bà có 5 người con nhưng 2 con đã đi xuất khẩu lao động, 3 người đi làm ăn xa ít khi về thăm gia đình. Vì vậy dù kinh tế không phải là khó khăn nhưng để vợi bớt nỗi cô đơn bà Liên vẫn cố nuôi thêm con cá, đàn gà. Với bà được lao động và vui thú tuổi già là bí quyết giúp bà trẻ lâu, vơi đi nỗi nhớ con cái.

Cũng giống như bà Liên, vợ chồng ông Cân hàng ngày cũng chỉ quẩn quanh với công việc vườn tược. Ông Cân là thương binh hạng 3, đã bước sang tuổi 83. Hàng ngày ông vẫn chăm sóc đàn gà để đợi mỗi khi có dịp con cháu về tụ họp. Ông cho rằng dù tuổi cao nhưng nếu còn sức khỏe người cao tuổi vẫn có thể tự mình tăng gia sản xuất, chăm lo nhà cửa. Đó cũng là cách để rèn luyện sức khỏe và giúp con cái yên tâm công tác.

Người trẻ đi vắng nên ở nhà, từ việc đồng áng, nhà cửa đến chăm sóc trẻ con, tất cả đều đến tay các cụ. Mới sáng sớm nhưng bà Phạm Thị Nhẫn đã phải lọ mọ trong bếp nấu nồi cháo cho đứa cháu nội, giặt giũ quần áo rồi lại tranh thủ ra đồng. Bà Nhẫn bộc bạch: “Ra Tết là bố mẹ nó đi vào tận miền nam để làm công nhân. Vợ chồng nó bàn nhau năm nay làm cố để tháng Giêng năm sau về làm lại cái nhà cho cao ráo. Chúng nó đã cố thế thì mình cũng chỉ biết động viên và trông con cho nó yên tâm mà làm ăn”.

Xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 1.500 người cao tuổi, trong đó có khoảng 1 nửa phải sống một mình hoặc ở cùng cháu nhỏ do con cái đi làm ăn xa. Ngoài mặt tích cực như giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập khá về cho gia đình, việc lao động trẻ ly hương cũng tạo nên những áp lực nhất định như: thiếu hụt lực lượng lao động sản xuất, ảnh hưởng đến phong trào tại địa phương và các vấn đề an sinh xã hội, tăng gánh nặng lên người già.

Sống trong sự trống vắng, thiếu sự chăm sóc của con cái nên hầu hết các cụ phải dựa vào nhau. Mỗi khi có người gặp khó khăn hay đau ốm thì những bạn già xung quanh lại chạy đến giúp đỡ, người nấu hộ bát cháo, người mua hộ mớ rau lạng thịt hay đơn giản chỉ là những câu chuyện trò động viên nhau. Tình bạn già cũng vì thế mà trở nên gần gũi, thân thương.

Ở những làng quê còn nghèo, vì cuộc sống mưu sinh phải sống tha hương là điều cần thiết dù không ai muốn. Nhưng làm sao để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, để con trẻ được sống trong vòng tay cha mẹ và người già được nương tựa con cháu? Đó là những câu hỏi vẫn đang chờ lời giải./.