Rời quê lập nghiệp, chồng chất khó khăn

Cưới nhau chẳng được bao lâu, vợ chồng ông Tân rời quê lên thành phố lập nghiệp khi tuổi mới đôi mươi, vốn liếng đem theo chỉ là những chậu cây kiểng “của nhà trồng được” từ quê hương Cái Mơn (Bến Tre). Ông Tân kể lại, vì không có cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định, hai vợ chồng phải liên tục di dời, chuyển chỗ bán mỗi khi bị đuổi do lấn chiếm, thành phố ra quân dọn dẹp vỉa hè hoặc do bị chủ đất lấy lại làm việc khác. Chi phí vì vậy mà cũng rất tốn kém. Dành dụm được bao nhiêu, vợ chồng ông lại ném vào đầu tư từ đầu.

Ông Tân bùi ngùi nhớ lại: “Qua nhiều lần như vậy, nhiều lúc tôi thấy buồn và cảm thấy “thân cô, thế cô” nơi đất khách quê người, công việc mưu sinh không thuận lợi, cuộc sống khá khó khăn, vất vả, chẳng có gì là ổn định. Nghề cây cảnh cần trường vốn, phải đầu tư lâu dài, có cây phải trồng và chăm sóc đến cả chục năm mới thu hoạch, nên việc cứ lông bông như trước đây là hoàn toàn thất bại. Cuối cùng, tôi nghĩ nhất định phải có một chỗ sản xuất kinh doanh ổn định thì mới mong phát triển được”.

Vậy là sau 10 năm gom góp tiền dành dụm, cộng với tiền vay mượn, ông tìm đến vùng “đất thép” Củ Chi để tậu đất lập vườn. Ban đầu ông chỉ đủ tiền mua được 2ha vào năm 1996, đến nay ông đã mở rộng thêm trang trại lên hơn 8ha, trong đó đất do ông sở hữu 5ha và 3ha ông thuê từ hàng xóm. Nói về lý do chọn Củ Chi làm “bến đỗ” cho vườn cây của mình, ông Tân cho biết, theo khảo sát của ông, đất khu vực này màu mỡ, rất tốt, nguồn nước cũng phù hợp để trồng cây nên ông đã quyết định chọn làm nơi lập nghiệp.

Đất lành, cây cũng chẳng phụ người

Hiện nay, ngoài việc chăm lo cho vườn cây của mình, ông Tân vẫn thường xuyên tổ chức, phối hợp với Hội Nông dân, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức các lớp học về làm vườn cho các hội viên nông dân khác. Chính ông là giảng viên giảng dạy cho hàng trăm nông dân trong và ngoài xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan, cây cảnh, kỹ thuật tạo dáng bonsai, thiết kế sân vườn, kỹ thuật chăm hoa mai ra hoa đúng dịp tết…

Nhận xét về ông Tân, anh Ngô Văn Hiết - Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung (Củ Chi) cho biết: “Ông Tân là người tốt tính, hòa đồng với các hội viên. Ông thường giúp đỡ các hội viên khác trồng hoa, cây kiểng, ông cũng là người tạo nhiều công ăn việc làm cho các lao động địa phương”.

Trong khi đó, anh Lại Văn Út - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, nói: “Tuy đã lớn tuổi nhưng trong công việc ông Tân rất hoạt bát, nhiệt tình, tính cách rất gần gũi, vui vẻ, dễ gần với anh em trong Hội. Ông sẵn sàng chỉ dạy, hướng dẫn về nghề trồng cây cho các hội viên có nhu cầu, xứng đáng là một gương nông dân tiêu biểu của địa phương”.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Tân bảo nghề trồng cây cảnh không có tuổi hưu nên ông vẫn miệt mài với công việc của mình. Hàng ngày, ông ra vườn, hướng dẫn công nhân chăm sóc, tạo dáng bonsai, đào tạo cho những công nhân mới vào nghề. Đối với các tác phẩm tạo dáng bonsai khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, ông phải tự tay mình xử lý. Theo ông, nghề trồng, tạo dáng hoa và cây cảnh là một nghệ thuật, để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp thì đòi hỏi người nghệ nhân phải cảm nhận được cái đẹp của hoa lá, luôn rèn luyện tay nghề, phải liên tục học hỏi và mất nhiều thời gian để hoàn thiện kỹ năng, không phải một sớm một chiều mà có được.

Đến nay, vườn cây của ông luôn có hơn 10 công nhân làm việc với lương trung bình từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có những người đã gắn bó với ông gần 20 năm nay. Hiện ngoài cơ sở rộng lớn với hàng chục nghìn cây cảnh từ bonsai đến đại thụ đặt tại Củ Chi, gia đình ông Tân cũng đã mở được một cửa hàng giao dịch ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh, với diện tích gần 5.000m2 vừa là điểm trưng bày, vừa là điểm kinh doanh chính. Bên cạnh đó, ông và gia đình cũng đang sở hữu một công ty chuyên về dịch vụ thiết kế cảnh quan, chăm sóc sân vườn, cung cấp cây cảnh cho các công trình đô thị. Thị trường tiêu thụ của gia đình ông không còn giới hạn trong phạm vi TP.Hồ Chí Minh mà khắp các địa phương trong cả nước và xuất khẩu.

Nhận định về nghề sản xuất và kinh doanh cây kiểng trong tương lai, ông Tân nói: “Nông nghiệp đô thị đang phát triển mạnh, hoa lan và cây kiểng đang là sản phẩm mũi nhọn của Củ Chi nói riêng và của TP.Hồ Chí Minh nói chung. Tuy nhiên, để ngành này phát triển bền vững, thành phố cũng nên có một khu chợ cây cảnh được quy hoạch bài bản, các nhà vườn có nơi giao dịch ổn định, đây không chỉ là địa điểm kinh doanh cây kiểng đơn thuần mà còn là điểm đến tham quan, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố”. (Theo Dân Việt)