Nước ta hiện đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo không tới 20 năm nữa, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số; thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Khởi nghiệp cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Trao đổi về tinh thần người cao tuổi và quốc gia khởi nghiệp, TS Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Trưởng ban chương trình Quốc gia về việc làm thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, chia sẻ: Lâu nay, khi nói đến khởi nghiệp nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Thực tế, tại nhiều nước như Mỹ, Israel, Hàn Quốc… người cao tuổi khởi nghiệp là lĩnh vực luôn được quan tâm, bởi họ coi nhóm người cao tuổi là nguồn lực quý báu của quốc gia.

Tại nước ta, người cao tuổi cũng đang khẳng định tốt vai trò của mình khi có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu trong số đó là ông Nguyễn Quốc Toàn, 73 tuổi (tỉnh Nam Định), nguyên kỹ thuật viên cơ khí đã mở công ty sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu hút 50 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng năm 15 tỷ đồng; bà Khánh Toàn (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), đã mở 4 công ty khai thác và chế biến đá, với số vốn 500 tỷ đồng, thu hút 150 lao động…

Người cao tuổi có lợi thế khi làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ này rất đặc biệt được bồi đắp qua nhiều năm tích luỹ mà người trẻ không thể có được. Chính những điều này góp phần cho sự thành công, phát triển cùng tinh thần khởi nghiệp của người cao tuổi.

Không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp. Nhưng đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập… cần có những chính sách phù hợp để tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho họ. Để người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không phải dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành, TS. Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam cho biết.

Cũng theo TS. Nguyễn Hải Hữu, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi.

Nghiên cứu về những thách thức của công tác tạo sinh kế, nâng cao thu nhập đối với người cao tuổi hiện nay, TS Nguyễn Thị Phương Mai và TS Trương Thị Ly, Khoa công tác xã hội, Đại học Công đoàn cũng nhấn mạnh: Tạo sinh kế cho người cao tuổi đã khó, tạo sinh kế cho phụ nữ cao tuổi còn khó hơn nhiều. Trong khi, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy phụ nữ cao tuổi chiếm tới 57,3%. Vì vậy, để tạo sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, các chuyên gia cũng đề xuất những chính sách cụ thể.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cụ thể cho người cao tuổi và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể, đặc biệt ở vùng khó khăn chính sách sinh kế cần cụ thể, bao gồm: vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…Người cao tuổi cũng có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cần có các chính sách miễn giảm phí tham gia khoá học, miễm giảm phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

(Theo phunuvietnam.vn)