Sau quá trình lao động, cống hiến cho xã hội, người cao tuổi sẽ có cả một quãng thời gian dài phía trước để tận hưởng, nghỉ ngơi. Mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một niềm đam mê để tuổi già không trôi qua một cách lãng phí. Không ít người cao tuổi ở Hà Nội đã lựa chọn cuộc sống nhiều màu sắc, ngập tràn năng lượng tích cực khi tham gia Câu lạc bộ Vũ khúc xanh.

“Tôi thích mặc trang phục diêm dúa vì vừa hát vừa múa. Tôi thấy chúng tôi không hề già, ta luôn nghĩ ta trẻ thì không bao giờ thấy già cả. Chúng tôi hay đùa với nhau là những người già mà ham chơi” – bà Nguyễn Bích Trâm trải lòng.

Chỉ cần xem một tiết mục biểu diễn của những người cao tuổi trong Câu lạc bộ Vũ khúc xanh có lẽ ai cũng cảm thấy vui vẻ, thấy cuộc đời này thật đáng sống. “Nếu nghĩ mình trẻ thì chẳng bao giờ thấy già” không chỉ là quan niệm của bà Nguyễn Bích Trâm mà đã trở thành phương châm sống của các thành viên Câu lạc bộ.

Bà Trâm chia sẻ: “Tôi thích dàn dựng biên đạo và dựng múa cho các thành viên trong CLB, nhất là múa về dân gian bởi tôi sinh ra từ mảnh đất quan họ Bắc Ninh. Chúng tôi tải những bài múa xuống rồi học hỏi, tự tập và dàn dựng với nhau, gọi là “cây nhà lá vườn”.

Được thành lập từ tháng 12/2019, mỗi tuần một lần vào sáng thứ 4, hơn 30 thành viên cao tuổi lại tụ họp tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Điểm đặc biệt ở đây là các thành viên dù tuổi cao nhưng đều khiêu vũ và nhảy múa rất giỏi. Mỗi người tự tô điểm cho mình bằng những bộ trang phục nhiều màu sắc. Lên sân khấu, họ nhảy uyển chuyển, tươi vui trên nền nhạc.

Bà Lê Ngọc Thảo cười không ngớt khi kể về những lần biểu diễn thú vị của bà và đồng đội “Đến đây tôi vừa vui vừa khỏe. Tôi lên sân khấu tôi nhảy, trẻ trung ra. Tham gia còn có điều kiện mặc quần nọ áo kia, tôi nhiều áo dài lắm”.

Không chỉ hòa mình trong những động tác khỏe khoắn, đẹp mắt, nhiều thành viên cao tuổi còn có giọng hát rất hay như ông Hoàng Hữu Bình. Ông Bình mang những trải nghiệm, chiêm nghiệm về cuộc sống và cả những ký ức của tuổi trẻ vào từng câu hát, dành tặng cho những khán giả thân thương.

“Tôi thích hát những bài về Hà Nội của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ở tuổi của mình nhiều khi ngẫu hứng, hát cùng các bạn và nhớ lại những kỷ niệm xưa...” - ông Bình hồi tưởng.

Âm nhạc khiến những người già gắn kết với nhau hơn. Từ âm nhạc, họ dễ dàng trao đổi với nhau những câu chuyện thời sự, chuyện gia đình, chuyện đời sống... Đó là điều khiến nơi đây níu giữ ông Bình nhiều năm qua.

Ông Bình kể: “Câu lạc bộ gồm nhiều ngành nghề về hưu, cán bộ, công chức, nhân sĩ, trí thức đều có cả. Chúng tôi gặp gỡ, giao lưu và nâng cao nhiều kiến thức hiểu biết hơn. Đây cũng là nguồn động viên tinh thần vô cùng quan trọng với tuổi già”.

Câu nói tuổi già “sống vui, sống khỏe, sống có ích” thật đúng với những người cao tuổi như bà Lê Ngọc Thảo. Chẳng để tuổi hưu trôi qua vô nghĩa, bà Thảo tận dụng từng ngày để tham gia những chuyến đi du lịch do Câu lạc bộ tổ chức.

“Chúng tôi đi du lịch nhiều nơi, lên Cao Bằng, Điện Biên, Sa Pa, Hà Giang...để tham quan để thêm hiểu biết, mở rộng tầm nhìn về đất nước mình” – bà Thảo vui vẻ cho biết.

Nụ cười vui vẻ và sự trẻ trung là điều mà những người cao tuổi Câu lạc bộ Vũ khúc xanh mang lại cho bất cứ ai có duyên gặp gỡ. Họ chẳng cần quan tâm thời gian trôi nhanh thế nào, cơ thể họ già đi ra sao...Với họ, sống vui, khỏe và thoải mái làm những điều mình thích mới là một cuộc sống đúng nghĩa sau những vất vả đã trải qua./.