Việc chung sống 3- 4 thế hệ dưới một mái nhà khá phổ biến trong truyền thống Á Đông trước đây. Thời hiện đại có nhiều biến động về cơ cấu gia đình nhưng vai trò của người cao tuổi vẫn không hề sút giảm, đặc biệt ở các giai đoạn con cháu cần sự trợ giúp của ông bà, cha mẹ, và khi khả năng kinh tế của người trẻ chưa đủ vững vàng để ra riêng triệt để. Thế nhưng bài trí không gian phù hợp với lối sống, tập quán của người cao tuổi lại khá nhiều bất cập. Đa số bản vẽ thiết kế đều ghi “phòng người già, phòng ông bà” với vị trí chủ yếu nằm ở tầng thấp, diện tích vừa phải, có phòng vệ sinh riêng bên trong hoặc dùng chung bên ngoài, nội thất đơn giản và đa phần là hay dùng đồ cũ đã qua nhiều năm sử dụng kê vào.

Dĩ nhiên, thực tế không thể đòi hỏi nhiều hơn về thiết kế phòng cho người cao tuổi khi đa số gia đình có lập luận giống nhau: ông bà nay cũng yếu rồi, làm phòng dự trù để lâu lâu ghé chơi, các cụ ở mỗi nhà con cháu dăm ba bữa rồi đi, nhu cầu các cụ không cầu kỳ…

Điều này dẫn đến thực tế không gian cho người cao tuổi luôn bị sơ sài hoặc bừa bộn, thiếu sự đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần, khiến nhiều công trình làm xong phải “tốt khoe, xấu che”, tức chỉ có phòng khách hay bếp ăn, phòng ngủ chính thì mới bài trí tươm tất và có cái để mà… chụp ảnh tung lên mạng xã hội khoe nhà!

Ai rồi cũng đến lúc già, và khi ấy đa số đều quay về với các giá trị cũ và không gian gần gũi thiên nhiên, cây cỏ, đồ đạc lưu giữ nhiều kỷ niệm, ký ức. Bà Ngô Ngọc Mĩ Phương- Kỹ sư xây dựng cho rằng các đặc trưng không gian thuần Việt của nhà xưa để liên hệ với nhu cầu bài trí hợp với người cao tuổi hiện nay: đó là sự thiết thực, tiết giảm và thân thiện.

Còn với KTS Nguyễn Thanh Giang- Thạc sĩ thiết kế Đô thị cho rằng đa phần người cao tuổi hay lắc đầu khi được hỏi về việc họ có thích sống ở chung cư hay không. Trong sâu xa, cấu trúc căn hộ và tiện ích công cộng chung cư hiện nay có nhiều điểm chưa phù hợp với người cao tuổi, không tốt với sức khỏe và thói quen sinh hoạt của họ.

Choáng ngợp ngột ngạt giữa những khối hộp cao tầng, ít yếu tố thiên nhiên và thiếu giao đãi xóm giềng, thiếu góc tâm linh. Trong khi đó giới trẻ trong nhà mải miết đi làm đi học… Đi suốt ngày, tối về lên mạng, cuối tuần hay nghỉ lễ rủ nhau đi chơi xa… khiến các cụ càng cô đơn trong căn hộ.

Thậm chí, một số cụ sau thời gian lên chung cư ở với con cháu đã hồi hương về quê để được gần cảnh xưa lối cũ, an hưởng tuổi già trong nếp nhà có điều kiện vật chất không bằng thị thành. Nhưng thà vậy để “bà chăm ông” tốt hơn, không muốn làm phiền con trẻ đang hối hả mưu sinh hay bất đồng quan điểm với người già.

Ngay cả người Tây phương với tư duy rất rạch ròi, ít sống chung các thế hệ với nhau, khi xây dựng trung tâm dưỡng lão cũng đều đặt yếu tố thiên nhiên và giao tiếp xã hội lên hàng đầu.

Có lẽ không gian cho người cao tuổi thời hiện đại nơi đô thị đông đúc hiện nay cần có sự tiếp thu tinh thần của nếp nhà truyền thống trong điều kiện đất chật người đông, để định vị, điều chỉnh cho hợp lý hợp tình.

Cụ thể là cần khuôn viên nhiều cây xanh và lối đi dạo, có góc đánh cờ thưởng trà, câu lạc bộ người cao tuổi với nhiều tiện ích hơn…

Trong nhà phố, nếu nhà có điều kiện lắp đặt thang máy thì vấn đề lên xuống không còn ngại, phòng người già có thể bố trí tại tầng bất kỳ, miễn tiện lợi. Tuy nhiên, cần kết nối tốt không gian người cao tuổi với không gian tâm linh (bàn thờ, góc thiền…) và luôn bố trí ít nhất một mặt có tiếp xúc với thiên nhiên bên ngoài, tránh tù túng ẩm thấp. Nội thất không gian phòng người già cần đơn giản, dễ xử lý và bảo trì, tránh ngóc ngách phức tạp không cần thiết.

Hệ thống đèn chiếu sáng cũng vậy, ưu tiên công năng, còn các loại đèn chùm, đèn rọi ánh sáng gắt, đèn hắt nhiều tầng nấc… nếu muốn dùng thì phải cân nhắc kỹ vì có thể không phù hợp với tâm sinh lý và thị giác của người cao tuổi, phức tạp cho quá trình sử dụng và lãng phí.

( Theo báo Vietnamnet.vn)