Những năm gần đây, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngày càng được khẳng định. Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp CNHT đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù các chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước với CNHT tương đối đầy đủ nhưng sự phát triển của ngành này ở nước ta còn khiêm tốn và hạn chế. Thực tế nhiều đơn vị chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, làm giảm khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Để phát triển CNHT mạnh mẽ hơn, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng được các chuyên gia nhận định là cần sớm xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.

Trên thực tế, hiệu quả của các văn bản chính sách về ngành CNHT vẫn còn một số hạn chế. Các vấn đề về vốn đầu tư, nhân lực, công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp... còn vướng mắc cũng khiến CNHT chưa phát triển được như kỳ vọng. Theo Luật sư Thu Trang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cần rà soát, đánh giá lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để bổ sung các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mới vào danh mục cần được ưu tiên phát triển.

“Các quy định pháp luật về công nghiệp chế biến, chế tạo còn thiếu. Việc quy định gián tiếp qua pháp luật chuyên ngành khác như Hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...tạo ra sự không thống nhất, chồng chéo trong quá trình áp dụng, đặc biệt không có cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng cho từng ngành CNHT để khuyến khích phát triển” – Luật sư Thu Trang khẳng định.

Trong khi đó, hầu hết các phân ngành công nghiệp đều có Luật riêng để điều chỉnh như Luật điện lực, Luật khoáng sản, Luật dầu khí...thì các ngành CNHT chưa có Luật riêng. Điều này dẫn đến thiếu khuôn khổ hành lang pháp lý cho quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành công nghiệp đồng bộ. Luật Phát triển công nghiệp ra đời sẽ là tiền đề để các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển. Bởi khi chúng ta có nền tảng thể chế tốt thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có con đường đi đúng.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng việc hoạch định các chính sách phát triển ngành CNHT cần được xây dựng thống nhất và xuyên suốt. Luật cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc liên quan đến phạm vi công nghiệp hỗ trợ, làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi... Khi được “Luật hóa” thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành CNHT mới sớm được thực thi.

Mặc dù ngành CNHT đã được quy hoạch tổng thể nhưng việc quy hoạch lại chưa được thực hiện cho từng vùng, miền, địa phương, do đó việc phát triển còn mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Để khắc phục những tồn tại này và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thời gian tới, cần tập trung xây dựng các chính sách đồng bộ, từ thuế quan, hệ thống tài chính, thị trường tiền tệ, tín dụng, đào tạo nguồn lực có chất lượng, chính sách về khoa học công nghệ, các cơ chế ưu đãi về đất đai, đặc biệt là cải cách hành chính, tạo động lực để các doanh nghiệp CNHT phát triển.

Ngoài ra theo ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trình độ công nghệ, kỹ thuật của các doanh nghiệp còn chưa cao, khó có khả năng chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những ngành có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao. Ông Bình cho rằng cần quan tâm tới các chính sách kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại…

Một mặt nữa về phía Chính phủ cần phải có chính sách quy định, hướng dẫn rõ ràng và kế hoạch hành động cụ thể. Mặt khác, về phía doanh nghiệp cần phải nhanh chóng áp dụng ưu đãi và cập nhật kịp thời khó khăn với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để được tháo gỡ.

Việc sớm cho ra đời Luật Phát triển công nghiệp sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI).

Hiện các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành CNHT để từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp nước ta phát triển. Theo ông Đậu Anh Tuấn, bài toán khó nhất của việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp là tính thực tế, tính hữu ích và hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNHT nói riêng. Làm thế nào để chính sách gắn với thực tế, doanh nghiệp và người dân có thể thụ hưởng được ngay, tránh đi vào vết xe đổ của một số đạo luật trước đây khi chính sách được đưa ra đầy đủ, cụ thể nhưng lại chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng Luật Phát triển công nghiệp cần tập trung nghiên cứu những khía cạnh, cụ thể là nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay là gì, chính sách đưa ra phải phù hợp, đúng nhu cầu hiện tại doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì, tiềm năng ra sao. Thứ hai cũng cần khảo sát kinh nghiệm của các Luật đi trước, làm sao rút kinh nghiệm từ các đạo luật chưa thành công để đưa ra những chính sách hỗ trợ khả thi hơn.

Để tạo môi trường hấp dẫn, đẩy mảnh thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT, Luật Phát triển công nghiệp cần quan tâm đến chính sách làm thế nào để ngành công nghiệp xanh hơn, bền vững hơn, theo ông Tuấn đây là một nội dung cần thiết.

Ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng Luật Phát triển công nghiệp ra đời sẽ tạo không gian sản xuất công nghiệp theo hướng xanh hơn, cách tổ chức sản xuất công nghiệp khoa học theo hướng tuần hoàn. Chất xả thải của doanh nghiệp này có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho một doanh nghiệp khác. Với cách thức tổ chức phù hợp, định hướng bền vững thì sẽ sàng lọc, chào đón được những dự án CNHT chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển CNHT theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và ít phát thải.

Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành tiếp thu ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy ngành CNHT phát triển tương xứng với tiềm năng của đất nước./.