Chắc có lẽ, nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện hồi năm ngoái, công ty sách Trí Việt Fist News cáo buộc Lazada nhiều năm qua tiếp tay cho hành vi buôn bán sách giả. Hơn 400 đầu sách của Trí Việt đã bị các cơ sở làm giả và bán trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử của Lazada, trong đó có nhiều đầu sách giá trị như: Đắc Nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, bộ 16 cuốn Hạt giống tâm hồn, Đi tìm lẽ sống, Muôn kiếp nhân sinh….. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty sách Trí Việt Fist News đã phải cay đắng mà thốt lên rằng: “Cứ 19 cuốn sách bán ra thì có đến 18 cuốn là giả, Trí Việt chỉ bán được 1 cuốn sách thật, gây thiệt hại lớn về kinh tế”.

Sách chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn mặt hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khắp các “hang cùng ngõ hẻm”, bất cứ mặt hàng nào cũng có thể bị làm giả, bị “ăn cắp” thương hiệu, từ các cửa hàng tạp hóa, trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm “thử thách” mức độ hiểu biết của khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: 5 năm gần đây, nhận thức của các chủ thể liên quan đến sở hữu trí tuệ đã được nâng lên đáng kể, số lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp như: Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%. Khi bị xâm phạm quyền, các chủ thể đã yêu cầu xử lý….. nhưng con số đó rất ít.

Để tạo ra các tài sản trí tuệ, chủ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân… có thể phải tốn nhiều tài sản để đầu tư. Tài sản vô hình này mang trên mình giá trị lớn để tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Do chưa hiểu rõ tầm quan trọng của quyền năng này, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ngõ, lãng phí nguồn quan trọng thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp. Người tiêu dùng không ý thức được việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã vô tình tiếp tay cho hành vi làm hàng giả, hàng nhái.

Luật sư Lê Quang Vinh – Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự cho biết: Hệ thống luật pháp của nước ta trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã khá đầy đủ và nghiêm khắc. Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, nếu vi phạm quyến sở hữu trí tuệ có thể bị phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng đối với tổ chức, 250 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa, đình chỉ kinh doanh.

Bộ luật hình sự/2015 cũng đã quy định rất nhiều điều luật khi xâm phạm sở hữu trí tuệ như: Hàng giả mạo về nhãn hiệu có giá trị từ 200 triệu trở lên, thực hiện bằng lỗi cố ý thì bị xử lý theo quy định tại Điều 226. Hoặc vi phạm về quyền tác giả ở quy mô thương mại có giá từ 100 triệu trở lên thì bị xử lý theo Điều 225. Nếu là hàng giả cũng sẽ bị xử lý khi chỉ cần hàng đó có giá trị chỉ 30 triệu trở lên…. Tuy nhiên luật sư Lê Quang Vinh cũng cho rằng, việc áp dụng luật hiện không đạt hiệu quả. Có rất ít vụ hàng nhái, hàng giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với sự phát triển của nền kinh tế, tỷ trọng tài sản sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp ngày càng nhiều nên doanh nghiệp cần phải có các biện pháp ưu tiên, thậm chí là đi trước một bước trong doanh nghiệp để kinh doanh một cách an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới mà trong đó đảm bảo được các hàng rào kỹ thuật là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra. Cùng với đó là vấn đề cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp mà trong đó có quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là một yêu cầu rất cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, để không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”./.