Việc người tham gia giao thông to tiếng, cãi vã, thậm chí là ẩu đả, đánh nhau gây thương tích đã không còn phải là chuyện hiếm. Cứ xảy ra va chạm là nhiều người sẵn sàng lao vào cãi cọ, gây gổ mà không cần biết ai đúng, ai sai, hậu quả sẽ đi đến đâu.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở thành phố Hà Nội kể lại sự việc của mình: Hôm đó đúng giờ cao điểm, đường đông mà trời thì mưa, do vội đi về đón con gái, nên anh có len lên vỉa hè để đi, không may lúc phi xe máy lên thì xe trượt bánh quệt vào một chiếc xe ô tô, chỉ hơi xước xe tý thôi nhưng chủ xe xuống chửi bới. Dù anh Tuấn đã có lời xin lỗi nhưng anh ta không nghe. Hai bên lời qua tiếng lại, xô xát, đánh nhau. Anh ta cầm gậy trên xe ô tô đánh anh Tuấn gẫy tay phải điều trị mất hơn một tháng.

Đây chỉ là một sự việc trong rất nhiều vụ đánh người gây thương tích do va chạm giao thông, chỉ cần bình tĩnh giải quyết thì anh Tuấn sẽ không bị gẫy tay và người chủ xe ô tô cũng không phải bồi thường thiệt hại.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông. Nhưng tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là không hiếm gặp trên đường phố, nhất là ở các đô thị lớn. Theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc Gia thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

"Trước hết là phải kể đến ý thức của người tham gia giao thông. Luật pháp là tất yếu, tuy nhiên luật pháp dù có sức nặng đến mấy mà ý thức của con người quá kém thì cũng bất chấp tất cả. Thứ hai là hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông của chúng ta vẫn chưa thực sự đồng bộ, hệ thống đèn xanh, đèn đỏ, rồi tắc đường, chen lấn xô đẩy khiến cho con người ta cảm thấy mệt mỏi, bực bội khi phải lưu thông trên đường. Rõ ràng khi đang cảm thấy khó chịu trong người về giao thông như vậy, lại bị va chạm thì lại càng khiến cho nhiều người dễ nổi cáu. Vấn đề nữa là việc giáo dục con người. Văn hóa giao thông chỉ là một góc độ phản ánh của quan hội, thể hiện cách hành xử giữa người với người."

“Cả giận mất khôn, một điều nhịn là chín điều lành” rõ ràng mỗi người trong số chúng ta chỉ cần cố

Đang chạy xe trên cầu Bình Phước 2, người đàn ông điều khiển chiếc xe máy cũ là anh Nguyễn Văn Lộc bất ngờ rẽ trái quẹt vào chiếc Mercedes từ sau đi tới. Tưởng rằng sau sự cố bất ngờ, người lái ô tô hạng sang là anh Huỳnh Bảo Toàn sẽ bắt đền anh Lộc vì lỗi đã "rành rành", nhưng không - chính cách hành xử đẹp đẽ của chủ xe khiến không ít người thán phục

Anh Toàn cho biết: " Vì cảm thấy anh Lộc nghèo nhưng chân chất thật thà, biết thành khẩn nhận lỗi về mình, tối về xem đi xem lại đoạn clip thấy anh ấy rất khắc khổ, xe máy đã cũ và hỏng rồi nên quyết định tặng cho anh ấy một chiếc xe máy mới để anh có thể mưu sinh tốt hơn."

gắng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống là có thể xử lý va chạm trong giao thông một cách êm đẹp. Thời gian gần đây trên mạng xã hội đã lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh về vụ va chạm giao thông của 2 người đàn ông không quen biết, một người là chủ xe Mercedes, một người làm nghề giao hàng, nhưng khác với những gì nhiều người tưởng tượng, hành động ứng xử của họ đã khiến cho nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Một ví dụbkhacs, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện 1 đoạn livestream ghi lại cảnh 1 chiếc xe tải bị mất lái dẫn đến lật xe đổ.

Trong đoạn clip này, người dân tại đây đã cùng với xe cẩu cứu nạn hỗ trợ trực vớt chiếc xe và tìm kiếm tài xế trong xe.

Chiếc xe tải sau khi bị lật khiến cho 20 tấn dưa hấu bị hư hại nặng nề, tài xế xe tuy rằng may mắn không gặp nguy hiểm nhưng lại phải đứng trước nguy cơ sẽ thiệt hại về kinh tế. Người dân Quảng Bình đã có hành động rất đẹp là chung tay giúp đỡ tài xế trục vớt và tìm kiếm những quả dưa hấu còn có thể ăn được để kêu gọi cũng như trực tiếp thu mua ủng hộ tài xế. Đây không chỉ là tình người, sẻ chia mà là văn hóa khi tham gia giao thông rất đáng quý, thấy nạn cứu giúp, thấy nguy giải vây.

Có thể nói, văn hóa giao thông là đề tài không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ đối với xã hội hiện nay. TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long cho rằng chúng ta cần phải nâng cao văn hóa giao thông, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, đừng vì nóng giận nhất thời mà để lại hậu quả đáng tiếc:

" Nhiều năm nay chúng ta luôn đề cao văn hóa giao thông nhưng vẫn tồn tại những hiện tượng phi văn hóa. Trước tiên chúng ta phải luôn đề cao ý thức chấp hành luật lệ, từ việc chấp hành không nghiêm nên mới thường xảy những va chạm không đáng có. Văn hóa phải xuất phát từ nhận thức và từ ứng xử của mỗi người. Để xử lý tận gốc thì mỗi người tham gia giao thông hãy chuẩn bị cho mình hành trang văn hóa đúng mực, vì những chuyện xảy ra trong giao thông thì không thể nào chấm dứt được, vẫn có thể xảy ra những sự việc không may, nhưng đứng trước vấn đề này mỗi người cần phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và cùng nhau tập trung vào việc khắc phục hậu quả của sự cố hơn là tranh luận đúng sai rồi ẩu đả."

Ở nhiều quốc gia văn minh, khi xảy ra những vụ va chạm giao thông, người ta thường đợi lực lượng chức năng đến giải quyết chứ không sa vào các cuộc cãi vã đúng sai. Vì điều đó có thể dẫn đến xung đột giao thông, mất trật tự xã hội, chính họ cũng có nguy cơ rơi vào những rắc rối không cần thiết đối với luật pháp. Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc công ty luật Hoàng Sa đã từng tham gia bào chữa cho nhiều vụ án mà nguyên nhân xuất phát từ những va chạm giao thông:

" Khi xảy ra va chạm giao thông nếu không giữ được bình tĩnh mà dẫn đến đánh nhau hoặc đập phá hủy hoạt tài sản của người khác thì có thể phạm tội cố ý đánh người gây thương tích hoặc Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài. Theo quy định tại khoản 4, Điều 134 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác có mức án cao nhất là tù chung thân, thấp nhất thì người phạm tội cũng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội hủy hoại tài sản người khác ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Theo TS. Khương Kim Tạo thì " việc thiếu hiểu biết về pháp luật chính là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng một số người cho mình quyền phán xét, bắt nạt người khác và dẫn đến bạo lực khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, cần thay đổi cách thức tuyên truyền để việc đưa kiến thức pháp luật đến người dân hiệu quả hơn cũng như là phải xử lý nghiêm minh và quyết liệt hơn. Thứ hai là cần đẩy mạnh giáo dục từ khi học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên nhiều lĩnh vực. Nếu chúng ta luôn tuân thủ đúng luật lệ, không uống rượu bia khi lái xe, làm chủ tốc độ và không tìm cách luồn lách khi tắc đường hay phóng nhanh vượt ẩu… thì rõ ràng những va quệt, tai nạn sẽ giảm thiểu."

Tại các quốc gia phát triển, việc ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông đã trở thành thói quen, thành một sự đương nhiên. Ai cố tình vi phạm, làm trái sẽ lạc lõng giữa cộng đồng và bị tất cả mọi người lên án. Còn ở nước ta, thói quen ấy dường như chỉ mới bắt đầu xuất hiện trong tư tưởng và nhận thức của người tham gia giao thông, vấn đề đặt ra ở đây vẫn là làm sao để có thể thay đổi một cách mạnh mẽ ý thức chấp hành của người tham gia giao thông./.