Hướng tiếp cận riêng

Thành Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm huyện 31km về phía nam. Xã có 954 hộ dân với 4.362 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc cùng sinh sống là dân tộc Thái, Mường và Kinh. Trong đó dân tộc Thái chiếm số lượng lớn (63,2%).

Ông Hà Thanh Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình kể rằng, trong mấy năm trở lại đây, tranh chấp đất sản xuất, nương rẫy, đất canh tác ranh giới giữa các hộ gia đình giữa xóm với xóm trong xã Thành Sơn xảy ra thường xuyên.

"Do người dân chưa hiểu rõ các quy định của Luật đất đai, các thửa đất sản xuất chưa phân giới rõ ràng. Đồng thời, việc lấn chiếm cũng là do lòng tham của một số ít hộ dân vì giá đất tăng" - ông Hà Thành Đạt chia sẻ. Công tác đo đạc chính quy đang triển khai trên địa bàn xã cũng kéo theo các tranh chấp giữa các hộ dân có đất canh tác liền kề nhau bộc lộ rõ hơn.

Từ năm 2020, dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” được thực hiện tại Hòa Bình và Cao Bằng. Dự án thực hiện trong 3 năm (2020 - 2023) được tài trợ bởi Liên minh châu Âu EU.

Ông Phạm Văn Lương - Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam - đơn vị thực hiện dự án cho biết, để bà con dân tộc thiểu số nắm bắt kiến thức pháp luật đất đai dễ hiểu, dễ nhớ, dự án đã xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn về quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng.

Tranh chấp đất đai có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như mất tình làng xóm/ anh em ruột thịt, vụ việc kéo dài làm thiệt hại kinh tế của hai bên, thậm chí khi các bên không kiềm chế dẫn đến vi phạm pháp luật. "Giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường hòa giải là cách trọn vẹn cả đôi đường, hợp tình và hợp lý" - ông Hà Thành Đạt nói.

Dự án L4A chọn hướng tiếp cận riêng biệt, đó là cung cấp nguồn lực cho các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở và đoàn thể địa phương. Họ là những người ở gần dân nhất và giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng địa phương giải quyết các vướng mắc về đất đai, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân, đem lại bình yên cho xóm làng, giữ vững an ninh trật tự xã hội và tăng cường đoàn kết trong nhân dân.

Đổi thay từ khi hiểu Luật

Xã Thành Sơn và xã Tú Lý là 2 trong 6 xã của huyện Mai Châu và huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình tham gia dự án L4A. Những cán bộ xã đều xác định: Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

Dự án đã tiến hành khảo sát cùng với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đưa ra các mục tiêu phương hướng hoạt động cụ thể thiết thực gồm: các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao năng lực về quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức như mít tinh, hội thi sân khấu hóa; hội thảo; truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và xã; lập trang thông tin điện tử về đất đai cho người dân truy cập khi cần thiết; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên tổ hòa giải ở cơ sở, phát hành ấn phẩm sổ tay cẩm nang hòa giải ở cơ sở; triển khai tiểu dự án do các nhóm đề xuất …

Thông qua các hoạt động của dự án giúp cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nâng cao được nhận thức, nắm bắt hiểu được các quyền và nghĩa vụ của mình về lĩnh vực đất đai; giúp các thành viên của tổ hòa giải ở cơ sở được trang bị các kiến thức và kỹ năng về hòa giải ở cơ sở từ đó tỷ lệ hòa giải thành được nâng lên, không còn đơn thư khiếu nại vượt cấp, giúp địa phương giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và con đường giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Hơn 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương đã được đào tạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, kỹ năng tuyên truyền và đóng góp xây dựng chính sách đất đai.

(Tổ chức Helvetas phối hợp với Liên minh đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) triển khai các hợp phần dự án trong 3 năm)

"Người dân chúng tôi đã hiểu được quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Các tổ hòa giải ở thôn xóm cũng đã tạo được niềm tin của người dân trong công tác hòa giải đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai" - ông Hà Thanh Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Sơn chia sẻ kết quả trong buổi lễ tổng kết dự án L4A tổ chức ngày 26/5 tại Hòa Bình.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) cho biết, đối với chủ đề nhạy cảm như quyền đất đai, cần xác định các mục tiêu và thiết kế nội dung hoạt động thật rõ ràng, thu hẹp chủ đề càng cụ thể càng dễ thực hiện, tránh chung chung sẽ gây khó khăn khi xin phê duyệt và triển khai.

“Phải luôn linh hoạt, sáng tạo, thay đổi kế hoạch kịp thời để ứng phó với các rủi ro... Đào tạo nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng khác nhau cần xây dựng kế hoạch và phương pháp phù hợp. Ngoài ra, cần có kế hoạch hỗ trợ đầy đủ, chi tiết cho cán bộ cơ sở và cộng đồng khi thực hiện các hoạt động mới và chủ đề phức tạp...”- ông Thịnh chia sẻ.

Kết thúc hành trình 3 năm, đại diện các địa phương được chọn triển khai dự án cũng bày tỏ sự cảm ơn Ban Tổ chức dự án và khẳng định những hiệu quả tích cực mà dự án đã mang đến cho địa phương.

Ông Hà Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình cho biết, thông qua các hoạt động của dự án đã tạo sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng.

"Dự án cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò làm chủ của người dân trong quản lý, sử dụng đất tại địa phương cũng như giải quyết những vướng mắc, tranh chấp về đất đai" - ông Hiệp nói.

Kết quả nổi bật nhất là sau khi kết thúc dự án, người dân trên địa bàn xã đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về luật đất đai từ những trang thông tin chính thống để từ đó có những cách giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật.