Mũ áo, xiêm y hay còn gọi là khăn chầu, áo ngự mà các thanh đồng sử dụng khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu rất đa dạng, phong phú. Bởi lẽ nếu hiểu một cách thông thường hầu 36 giá đồng thì cần phải có 36 bộ trang phục, kèm theo đó là các phụ kiện như trâm, lược, vòng tay, kiềng cổ, xà tích, đai, nét, mạng, chấn tâm, cờ, đao, kiếm, cung tiễn....

Còn nếu theo sự hiện diện của các vị tiên thánh ở các đền, điện, phủ thờ thì có các trang phục dành cho nam thần và nữ thần với các hàng Quan lớn, Quan hoàng, Chầu bà, Thánh Cậu, Thánh Cô. Theo các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như các thanh đồng có nhiều năm theo nghiệp hầu đồng thì các thanh đồng thường hầu 5 Quan lớn, 3 ông Hoàng, 4 chầu, 5 cô và 2 cậu. Như vậy có khoảng 20 bộ khăn chầu, áo ngự với những quy định từ xa xưa về mầu sắc, hoa văn trang trí cùng các phụ kiện kèm theo.

Khăn áo hầu thánh của các thanh đồng đa phần được làm từ gấm, lụa có thể của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc một số quốc gia khác. Áo của các vị thánh nam được dệt từ gấm và có hoa văn hình rồng, ổ rồng, ổ ngũ phúc, chữ thọ …còn áo của các vị thánh nữ dệt phượng, dệt công, hoặc cành hoa, hoa tứ quý, thanh đồng nào có điều kiện kinh tế thì có áo thêu rất tinh xảo bằng sợi tơ bóng, kim tuyến, hoặc đơn giản hơn thì thêu bằng sợi len các màu. Màu để lại ấn tượng mạnh nhất đối với những người tham dự buổi hầu đồng là màu đỏ của chiếc khăn phủ diện. Chiếc khăn này là vật theo suốt cuộc đời hầu thánh của thanh đồng, gọi là khăn bản mệnh của thanh đồng. Khi hầu các giá, thanh đồng có thể tung hoặc kéo khăn phủ diện.

Để tạo nên sự đĩnh đạc khi hầu ghế các Quan và sự thướt tha, mềm mại khi hầu ghế hàng Cô không chỉ là sự nhập vai của các thanh đồng thể hiện qua nét mặt, động tác mà còn là trang phục của các ông đồng, bà đồng. Không ít thanh đồng là nữ nhưng thường hầu giá hàng quan, giá Đức ông và cũng có không ít thanh đồng là nam nhưng thường hầu giá Chầu Bà, Thánh Cô. Mặc dầu vậy khi nhập vai thì thần thái của họ rất giống với bậc tiên thánh mà họ đang hầu.

Thanh đồng là nam mà hầu giá nữ thần với các động tác múa uyển chuyển và khoác trên mình bộ trang phục toát lên thần thái của nữ thần khiến cho vấn hầu vô cùng lôi cuốn những người tham dự. Thanh đồng Nguyễn Văn Mười ở Bắc Giang (người thường hầu giá Cô đôi Cam Đường) cho hay: Khi ngự về đồng, cô mặc áo tứ thân màu xanh, chít khăn mỏ quạ, đầu đội nón quai thao giống như đồ của các liền chị quê hương Kinh Bắc. Vai cô đỡ đòn gánh cong, hai đầu là giá đựng vải vóc.

Những thanh đồng nữ mà hầu giá hàng Quan lớn, Quan hoàng hoặc giá Đức ông thường là những người có nhiều năm hầu đồng. Trong câu chuyện với tôi, bà Lê Nhung Tuyết – Đồng đền Tân Ninh, phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết bà là người có hơn 40 tuổi đồng và bà thường hầu ghế Đức ông nhà Trần. Các thanh đồng phải tuân theo những phép tắc, quy định từ xa xưa về màu sắc trang phục theo từng giá hầu, chẳng hạn quan đệ Nhất mặc áo màu đỏ, quan đệ Nhị mặc áo màu xanh còn quan đệ Tam thì áo màu trắng.

Hoa văn và kiểu dáng trang phục dùng trong nghi lễ hầu đồng có thể không ổn định và không theo một quy luật nào; tuy nhiên, màu sắc trang phục là yếu tố được coi là ổn định nhất. Theo đó, tất cả những vị thánh thuộc phủ Thiên đều màu đỏ; thuộc phủ Thượng Ngàn màu xanh; thuộc phủ Thoải màu trắng; thuộc phủ Địa màu vàng. Trang phục cùng các phụ kiện mà các thanh đồng sử dụng trong các giá hầu là yếu tố giúp người tham dự buổi hầu đồng biết được phần nào chân dung các Tiên Thánh.

Hầu giá Cô bé thì các ông đồng, bà đồng mặc các y phục trông rất nhí nhảnh, có thể mặc áo cõn xanh hoặc lam hoặc có thể mặc áo lá 2 màu đỏ xanh vắt chéo nhau, bụng thắt đai trấn, chân tay quấn xà cạp, lưng đeo cung tiễn hoặc vai quẩy lẵng hoa, cổ đeo kiềng bạc, tai đeo hoãn bạc, dao túi đeo hai bên xúng xinh hoặc thắt đai hoa nhiễu vải năm màu sắc sỡ.

Các ông đồng, bà đồng khi hầu giá thánh Cậu thường mặc áo trấn thủ ngắn, đầu đội khăn gấp chéo, hoặc khăn đầu rìu, vai vắt hai mạng chéo nhỏ, cổ đeo kiềng nhạc, bắp tay đeo băng hoa vải, tay chân quấn xà cạp và đeo vòng nhạc, bụng thắt đai nhiễu, bên sườn dải đai ngắn buông hông, dải đai dài giắt ngang hông trông rất nhí nhảnh. Nếu khi hầu đồng mà các ông đồng, bà đồng mặc áo thêu rồng, đầu đội khăn xếp, có nét cài ngang khăn xếp theo màu của áo, bụng có đai hộp thêu ổ tứ lính…thì đó là đang hầu giá hàng Quan lớn.

Y phục của các nam thần hoàng thường thêu hoa văn là ổ rồng tròn hay ổ chữ thọ, ổ mây vờn, gấu áo có hình thủy ba. Còn y phục của các nữ thần thường thêu hình công, phượng, cành hoa hoặc tứ quý với các màu sắc sắc sỡ.

Trang phục hầu đồng cũng mang yếu tố bản địa bởi các thanh đồng thường sử dụng các trang phục mang tính vùng miền khi hầu những giá hầu thánh của địa phương. Chẳng hạn, khi hầu giá Chầu Hòa Bình thanh đồng thường mặc áo ngắn giống như áo của phụ nữ dân tộc Mường. Hay, hầu giá Chầu Lục thì các thanh đồng thường sử dụng khăn vấn đầu như khăn của một số dân tộc thiểu số phía Bắc.

Chúng ta còn có thể thấy dấu ấn thời trang qua các thời kỳ trong trang phục hầu đồng. Chẳng hạn, khăn vấn tóc của các bà các cô Hà thành hồi những năm đầu thế kỷ XX thì nay vẫn được các thanh đồng sử dụng làm chiếc khăn vấn đội đầu ở giá hàng Mẫu. Hay, chiếc yếm cổ dây của các bà các cô đồng bằng Bắc bộ màu hồng đào, hoa lý cũng được sử dụng linh hoạt trong các giá hàng Cô.

Ngoài khăn, áo thì trang sức và đồ phụ kiện trong hầu đồng cũng vô cùng phong phú, có thể kể đến như: cờ, quạt, đao, kiếm, bầu rượu, túi thơ….. Dùng cho các giá hàng Chầu Bà gồm hoa tai, nhẫn xuyến, vòng cổ và những bộ xà tích. Khi các thánh bà múa đồng thì lục lạc, xà tích phát ra tiếng kêu cùng với âm nhạc, lời hát của cung văn làm cho giá hầu thêm phần rộn ràng.

Trang phục hầu đồng được các thanh đồng sử dụng đạt tới mức nghệ thuật, tạo nên sự uy nghiêm của các giá hầu. Trải qua mỗi thời kỳ, trang phục hầu đồng đều có sự biến đổi và cải tiến cho phù hợp với bối cảnh xã hội và nhận thức về cái đẹp của con người tại thời điểm đó.