Theo sử sách ghi lại, Minh Nghĩa Đại Vương, Đại Tướng Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng - tức Hoàng Đăng Quang sinh năm 1496 tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương ngày nay. Năm 1535 phụng chiếu Thái tổ Mạc Đăng Doanh, ông vào trấn phủ vùng Hoan Châu (Nghệ An), chọn vùng đất Đô Đặng, huyện Nam Đường nay là 3 xã Nam - Bắc - Đặng làm cứ điểm đóng trại. Ông là người có công đánh giặc giữ nước và lập ra mảnh đất Đô Đặng.

Trong suốt 14 năm trấn thủ đất Hoan Châu, ông đã xây dựng nơi đây thành một vùng đất trù phú, lương thực đầy đủ, ngành nghề phát triển, đời sống nhân dân no ấm...

Để hiểu rõ hơn về vị Đại tướng - Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng, PV VOV2 đã có cuộc trò chuyện với Th.S Phan Đăng Thuận, Viện sử học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, người chuyên nghiên cứu về nhà Mạc và dòng họ Mạc:

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết về thân thế sự nghiệp của Đại tướng Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng?

Theo như gia phả và thần tích còn lưu lại thì Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng - tức Hoàng Đăng Quang là cháu đời thứ 6 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (là bậc chú của Thái tổ Mạc Đăng Dung). Ngài là con trưởng cụ Mạc Đăng Trắc và cụ bà Đậu Thị Minh.

Năm 17 tuổi, Mạc Đăng Lượng thi đậu Tiến sĩ, làm quan dưới triều hậu Lê được phong tước Quốc Công. Triều Mạc được phong Quốc Vương. Năm 1535, Mạc Đăng Lượng vâng lệnh vua Thái Tông Mạc Đăng Doanh vào trấn thủ ở Hoan Châu (Nghệ An), đóng bản doanh ở vùng Đô Đặng, huyện Nam Đường, tướng ta thuộc hạ trên một vạn người.

Khoảng năm 1575, Mạc Đăng Lượng cùng thuộc tướng Thạch Quận Công Nguyễn Quyện tiến công quân địch giết được Lại Quốc Công Phạm Công Tích tại Diễn Châu, truy kích bắt được Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Mô tại Thanh Hóa, nhờ lập công lớn nên được thăng tước Minh Nghĩa Đại Vương. Sau gặp vận dòng họ suy vi, Mạc Đăng Lượng đổi tên là Hoàng Đăng Quang và Lê Đăng Hiền, trước ẩn ở Thạch Thành, Thanh Hóa sau di chuyển vào huyện Nam Đường, ẩn dật chiêu dân lập ấp, dạy học làm thuốc.

PV: Được biết, Đại tướng Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng là người có công đánh giặc giữ nước và lập ra mảnh đất Đô Đặng, nay là huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An? Ông nói rõ hơn về điều này ?

Theo Thần tích, sau chiến thắng ở Lèn Hai vai và được thăng tước Minh Nghĩa Đại Vương, năm 1592, Thăng Long thất thủ, nhà Mạc thất thế, Mạc Đăng Lượng đổi tên là Hoàng Đăng Quang, ẩn ở Thạch Thành, Thanh Hóa, sau chuyển vào vùng Nộn Hồ (Nam Đàn) ẩn dật, chiêu dân lập ấp, dạy học, làm thuốc.

Mạc Đăng Lượng sinh hạ 5 con trai đầu ở Đô Đặng lấy họ Hoàng Đăng sau đổi sang các chi họ Hoàng. Ngài hưởng thọ 108 tuổi (giỗ vào 16/06 âm lịch), được nhân dân tổng Đặng Sơn thờ ở Tiên đô miếu.

PV: Thưa ông, Hậu duệ của Đại tướng Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng có những đóng góp gì đối với vùng đất Nghệ An nói riêng và với dân tộc nói chung? Và đến nay truyền thống của dòng họ Mạc đã và đang được phát huy như thế nào?

Lê Hồng Sơn là hậu duệ đời thứ 11 của hệ tổ Mạc Đăng Lượng đã góp phần làm rạng danh cho tông tộc, quê hương. Đồng chí là một trong những sáng lập viên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phan, sinh ngày 29/06/1899 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Đi theo tiếng gọi cứu nước của Hội Duy Tân, tháng 2/1920, Lê Văn Phan từ giã gia đình, bè bạn, quê hương ra nước ngoài hoạt động. 34 năm cuộc đời, Lê Hồng Sơn đã giành 13 năm cho cách mạng, chiến đấu không mệt mỏi, kiên cường cho đến phút cuối…

Cụ Hoàng Trần Ích đậu cử nhân giữ chức tham tán đại thần binh làm đại tướng phò tá vua Hàm Nghi đánh giặc, cụ Hoàng Trần Siêu thi đậu cử nhân không làm quan mà ra Yên Thế tham gia phong trào chống Pháp của cụ Hoàng Hoa Thám, cụ Hoàng Trần Mai đậu cử nhân không làm quan, về quê cắt thuốc chữa bệnh cho dân. Đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần là nơi quyên góp sức người, sức của chi viện cho phong trào chống Pháp của cụ Phan Đình Phùng…

Sau khi đỗ đầu Giải Nguyên trường Nghệ, Phan Bội Châu lên vùng đất Đô Đặng, về Đặng Sơn để cùng các ông Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài, Trần Sỹ Khoan, Nguyễn Văn Nhiệu… bình thơ văn, họp bàn việc vận động và đưa thanh niên ra nước ngoài hoạt động tại nhà thờ họ Hoàng Trần. Đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần là nơi mở trường dạy học, là địa điểm tập trung thanh niên đi xuất dương trong phong trào Đông Du…

Trong cao trào 1930-1931, dòng họ Hoàng Trần có 7 đồng chí hy sinh anh dũng, tiêu biểu là đồng chí Hoàng Trần Thâm…

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Mời nghe âm thanh tại đây: