Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều nay (2/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên 3 tháng được xem xét giải quyết theo quy định của luật hiện hành. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời gian tạm trú với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Thời hạn visa du lịch vẫn giữ nguyên 3 tháng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong khi chúng ta đang xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn nhưng lượng khách du lịch giảm. Chính vì vậy, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh là phù hợp với thực tiễn hiện nay để người nước ngoài đến Việt Nam thuận lợi hơn, dễ dàng hơn và cũng tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đi nước ngoài.

Thực tế, thị thực điện tử được cấp thí điểm từ năm 2017 dưới hình thức trực tuyến cho người nước ngoài chỉ có giá trị 1 lần và thời hạn không quá 30 ngày. Đây cũng chính là một trong những điểm nghẽn khiến ngành du lịch của nước ta chưa phục hồi được như kỳ vọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu thực tế, Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại từ ngày 15/3/2022. Theo đánh giá đây là thời điểm khá sớm so các nước trong khu vực, với mục đích mở cửa sớm để đón đầu cơ hội phục hồi du lịch và tiếp nhận nhiều khách du lịch quốc tế. Vậy nhưng kết quả lại chưa đạt yêu cầu khi đến cuối năm 2022 mới chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% kế hoạch.

“Rõ ràng, chúng ta mở cửa từ rất sớm và có lộ trình hợp lý nhưng không những không đạt được mục tiêu mà còn thấp hơn so với các nước khác trong khu vực dù đều mở cửa sau như Thái Lan đón hơn 11 triệu khách, Singapore 6,3 triệu lượt và Indonesia 5 triệu lượt”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.

Sau khi rà soát, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là việc cấp thị thực của ta chưa được thông thoáng như các nước trong khu vực. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng phương án tăng thời hạn thị thực điện tử như trong dự thảo Luật sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn như: tạo thuận tiện cho nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch cho khách nước ngoài đến Việt Nam. Đặc biệt, tăng cơ hội khai thác, tìm hiểu thị trường hay tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Bởi lẽ, đây là những công việc đòi hỏi thời gian lưu trú dài.

Hơn nữa, thời gian miễn thị thực của các nước ASEAN cũng rất dài, từ 30 đến 45 ngày, thậm chí lên đến 90 ngày lưu trú như ở Thái Lan, còn Việt Nam mới chỉ là 15 ngày.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh chẳng những nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội nói chung, phát triển ngành du lịch nói riêng.

Đồng tình với các sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật liên quan thời hạn thị thực điện tử và lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đây là vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách.

Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2023, nước ta đạt được khoảng 3,7 triệu khách du lịch quốc tế, so với mục tiêu 8 triệu khách năm nay thì đây quả thực là một thách thức nếu như chúng ta không thay đổi.

Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn, bên cạnh việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử, Ban soạn thảo cũng cần có sự rà soát để tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam, vì nếu chặt chẽ quá trong vấn đề này thì “du lịch Việt Nam sẽ rất thiệt thòi”.

Cùng với đó, bổ sung đồn biên phòng, trạm biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài tại khu vực biên giới để phù hợp với các hiệp định liên quan đến quản lý biên giới, cửa khẩu trên đất liền với Việt Nam và các nước láng giềng phù hợp với một số luật như Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các nghị định liên quan.