Hội nghị có sự tham gia của gần 300 đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến từ Trung Quốc và Việt Nam nhằm trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, giới thiệu quảng bá du lịch, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch của hai địa phương tìm hiểu nhu cầu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội luôn xác định Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu, đồng thời du khách Trung Quốc rất yêu thích các điểm đến của Việt Nam như: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… và các điểm đến tham quan du lịch giàu bản sắc văn hóa khác. Việt Nam là điểm đến lý tưởng của khách du lịch Trung Quốc ưa thích loại hình du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch golf…

Vì vậy, Hà Nội sẽ tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch..., làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó có khách du lịch Trung Quốc theo tuyến du lịch: Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội.

Cũng tại hội nghị, ông Triệu Thụy Quân - Đại diện chính quyển Châu Hồng Hà đã giới thiệu về những điểm đến tại địa phương và chào đón khách du lịch Việt Nam đến Vân Nam, Châu Hồng Hà trong thời gian tới.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường khách hàng đầu của Du lịch Việt Nam, chiếm tỷ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đứng đầu trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam, đạt 5,8 triệu lượt trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Sau hơn 02 năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch, kết quả năm 2022 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, đạt tương đương mức 20% của năm 2019.

Năm 2023, du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đón được trên 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có dòng khách du lịch đặc biệt khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và từ ngày 15/3/2023, Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch cho công dân Trung Quốc sang Việt Nam theo đoàn đợt 2.

Đây là điều kiện thuận lợi để hai bên thúc đẩy, khôi phục lại hoạt động du lịch bình thường. Việt Nam, Thủ đô Hà Nội sẵn sàng chào đón khách du lịch Trung Quốc với các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn.

Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, chương trình (Tour) du lịch vàng, kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến” là sáng kiến do Ngành Du lịch tỉnh Lào Cai, Việt Nam và Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đề xuất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 21/6/2019 tại thị xã Sa Pa, Lào Cai, Việt Nam; được chính thức khai trương, vận hành ngày 14/01/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, khởi đầu hợp tác tốt đẹp này đã bị gián đoạn. Vì vậy, Hội nghị xúc tiến để tái khởi động Chương trình này, góp phần minh chứng cho mối quan hệ hợp tác có trách nhiệm, bền chặt, mở ra triển vọng, cơ hội mới hợp tác mới cho Ngành Du lịch hai bên.

"Đây được coi là một trong những sản phẩm du lịch mang dấu ấn đậm nét của tình hữu nghị, gắn kết hợp tác giữa tỉnh Lào Cai, các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách mỗi bên", bà Giàng Thị Dung khẳng định.

Việc tổ chức Hội nghị này là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch hai quốc gia nói chung, và các địa phương của Trung Quốc và Việt Nam nói riêng. Qua đây, Trung Quốc - Việt Nam cùng chủ động giao lưu, trao đổi thông tin, cơ hội hợp tác để có những hoạt động cụ thể hóa kết quả Hội nghị này; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, sản phẩm, nguồn nhân lực… để sớm triển khai ngay chương trình đưa đón khách du lịch hai chiều.

Hy vọng, chương trình du lịch vàng “Hai quốc gia, sáu điểm đến” sẽ trở thành sản phẩm hình mẫu trong hợp tác phát triển du lịch của các địa phương, đáp ứng kỳ vọng của chính quyền, doanh nghiệp hai bên và kết nối khách du lịch, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên./.