Tại SEA Games 22 rồi tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam đón nhận tin xấu khi có vận động viên dương tính với doping. Những lý giải được đưa ra vẫn là câu quen thuộc “vô tình” mắc phải. Đâu là lý do khiến sau 20 năm vết chàm này lại xảy ra? Câu trả lời sẽ là bài học cho thể thao Việt Nam trong công tác chuẩn bị tham dự SEA Games 32 tại Campuchia đang đến gần.

Tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã giành ngôi nhất toàn đoàn, với hàng loạt những thành tích ấn tượng đặc biệt là về chuyên môn. Số lượng 205 Huy chương Vàng của đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao lần này là nhiều nhất mà một quốc gia đạt được qua tất cả các kỳ SEA Games. Cùng với vị trí thứ nhất toàn đoàn khi giành tổng cộng 446 huy chương, thể thao Việt Nam dẫn đầu nhiều nội dung tham gia thi đấu của các bộ môn thể thao ở Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) và Đại hội thể thao thế giới (Olympic), thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn và khẳng định vị thế của thể thao nước nhà. Thế nhưng, chỉ sau đó 4 tháng kết thúc SEA Games 31, thể thao Việt Nam chấn động với thông tin một loạt vận động viên dương tính với doping khi tham dự SEA Games 31, trong đó có 5 vận động viên của đội tuyển điền kinh.

5 vận động viên này đều đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31, trong đó 4 vận động viên nữ giành Huy chương Vàng nội dung cá nhân và tiếp sức (có 1 vận động viên nữ còn giành thêm 1 Huy chương Bạc); vận động viên nam giành 1 Huy chương Bạc nội dung cá nhân, 1 Huy chương Bạc nội dung tiếp sức. Tuy danh tính các vận động viên đến nay vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nhìn danh sách những cái tên vắng mặt tại Giải điền kinh Vô địch quốc gia vào cuối năm 2022 là đủ để mọi người nhận ra 5 gương mặt là những ai. Vết gợn này không những làm lu mờ thành tích, mà các vận động viên khác đã gặt hái được, còn khiến hình ảnh và danh dự của nền thể thao nước nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vào giữa tháng 1 vừa qua, Hội đồng thể thao Đông Nam Á đã tổ chức phiên điều trần dành cho các vận động viên, nội dung mà cả 5 vận động viên Việt Nam trình bày trước hội đồng đều giống nhau: tự ý mua thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng để sử dụng trong thời điểm chuẩn bị cho SEA Games 31. Các vận động viên đều không hay biết loại thực phẩm họ dùng đều chứa chất cấm trong thể thao. Phía Tổng cục Thể dục Thể thao cũng đưa ra bình luận và đổ lỗi cho thị trường thực phẩm chức năng bị buông lỏng, khó kiểm soát khiến các vận động viên "vô tình" dính doping. "Vô tình dính doping", đó là câu trả lời luôn được các nhà quản lý, huấn luyện viên và vận động viên đưa ra mỗi khi “nhúng chàm”. Hai trong số những vận động viên nổi tiếng nhất của thể thao Việt Nam từng bị cấm thi đấu vì dính doping là đô cử Hoàng Anh Tuấn và vận động viên Thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương. Hoàng Anh Tuấn, người từng giành Huy chương Bạc Olympic Bắc Kinh 2008 không biết anh dùng chất cấm khi nào, mà chỉ phỏng đoán do vô tình mắc phải khi du đấu Trung Quốc. Trong khi đó, Ngân Thương tự ý dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân.

Hay đầu năm 2019, đô cử Trịnh Văn Vinh bị WADA kết luận sử dụng chất cấm, qua đó phải nhận án cấm thi đấu 4 năm. Ở thời điểm dính doping, Vinh là một trong những vận động viên Việt Nam được đầu tư trọng điểm để giành huy chương Olympic. Câu chuyện đằng sau ca doping của Vinh cũng không ít chi tiết ly kỳ, mà chính chủ nhân sau 4 năm cũng kể 2 câu chuyện khác nhau. Vinh chia sẻ mắc doping từ một loại thuốc bôi giúp sớm lành vết thương, nhưng không có thông tin chính xác cho thấy loại thuốc đó do anh tự mua hay được ban huấn luyện yêu cầu sử dụng.

Trong quá khứ, những vận động viên như Hoàng Anh Tuấn và Đỗ Thị Ngân Thương nhận án phạt khá nhẹ, bởi WADA quan niệm mặt bằng chung hiểu biết về doping khi ấy của Việt Nam còn chưa cao. Nhưng 2 thập niên đã trôi qua, và chúng ta khó có thể tiếp tục vin vào lý do thiếu hiểu biết để lý giải cho việc này. Ở thời đại công nghệ số, việc cập nhật thông tin về các chất cấm là hoàn toàn đơn giản, hay việc tra rõ nguồn gốc, xuất xứ của các loại thuốc hỗ trợ, thực phẩm chức năng cũng không hề khó. Lý do "vô tình" sử dụng chất cấm đưa ra là không hề thuyết phục.

Thể thao thành tích cao của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai, song cần loại bỏ những trường hợp vận động viên “vô tình” dính doping. Và thay vì cố gắng giải thích sau những lần mắc lỗi, thể thao Việt Nam cần xem đó là bài học để có những chế tài xử phạt nghiêm khắc mới tránh được những câu chuyện buồn tương tự tái diễn tại các kỳ Đại hội thể thao trong nước và quốc tế, sắp tới đây là SEA Gmaes 32 tại Campuchia.