Thống kê cho thấy, hiện nay khoảng 95% số người cao tuổi trong cả nước đã có thẻ bảo hiểm y tế. Điều này có nghĩa, phần lớn người cao tuổi không còn phải lo lắng về chi phí khám, điều trị mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam, số người hết tuổi lao động được hưởng lương hưu từ chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nước ta vẫn còn rất thấp. Đây là vấn đề cần quan tâm trong việc triển khai các chính sách an sinh xã hội. “Trong số 12 triệu người cao tuổi, hiện chỉ có khoảng 4 triệu người có lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội và được trợ cấp xã hội; khoảng 6,5 triệu người cao tuổi vẫn phải đi lao động để kiếm sống”, ông Cừ cho biết.

Ông Cừ cũng rất lo lắng khi nhận thấy thời gian qua xảy ra tình trạng người lao động ở nhiều địa phương ồ ạt rút Bảo hiểm xã hội một lần. Theo ông, điều này sẽ gây ra những hệ lụy. “Thời gian vừa qua, nhiều người rút BHXH. Tôi nghĩ khoảng 15-20 năm nữa, vấn đề an sinh sẽ trở thành gánh nặng với chính họ và Nhà nước”, ông Cừ chia sẻ.

Theo ông Cừ, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động ngừng rút BHXH một lần, đồng thời khuyến khích những người trẻ tham gia chính sách bảo hiểm này.

Trao đổi với phóng viên VOV2, Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam cho rằng, trước mắt cơ quan chức năng cần có biện pháp hạn chế người lao động rút BHXH một lần. Về lâu dài, để đảm bảo an sinh, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH. “Chúng ta nên tạo điều kiện hỗ trợ một phần nào đó về việc đóng góp để người dân dễ tham gia, kiểu như “cái mồi”. Tôi lấy thí dụ, nếu người dân tham gia BHXH thì Nhà nước sẵn sàng bỏ ra một ít tiền ban đầu, khoảng 30% tổng số tiền phải đóng, trong 3 năm chẳng hạn. Sau đó, cứ đà đấy người ta đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Như thế ai cũng có tiền để sống lúc tuổi già và Nhà nước sẽ vơi bớt nỗi lo “gánh nặng an sinh”, ông Huệ chia sẻ.

Theo ông Huệ, vì điều kiện ngân sách có hạn, trước mắt Nhà nước có thể áp dụng đối với bà con ở khu vực vùng cao, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt khác, Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ cũng khuyến cáo người lao động nên tham gia BHXH trước tuổi 40. “Để có chỗ dựa lúc về già, trước tuổi 40, người lao động nên tham gia BHXH. Tôi thấy một số nước, như Nhật Bản, Đức…họ chuẩn bị cho tuổi già rất tốt nhưng vẫn có những trường hợp 70 tuổi chưa được nghỉ ngơi, phải khách sạn lau dọn để có thu nhập. Người lao động của chúng ta, nếu không tham gia BHXH, không chuẩn bị cho tuổi già thì viễn cảnh sẽ tương tự như vậy”, ông Huệ khuyến cáo.

Nghe bài viết dưới đây: