Những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ về câu chuyện tình lãng mạn 31 năm giữa chàng trai Việt với cô gái Triều Tiên. Nhân vật trong câu chuyện đó là ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui hiện đang sống ở phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Trong những năm tháng tuổi trẻ, ông bà đã có một mối tình đẹp đẽ dù ở hai quốc gia cách nhau 5 nghìn cây số. Những trở ngại về thời gian, không gian và biết bao khó khăn, thử thách cũng không khiến ông bà từ bỏ nửa kia của mình.

Năm 1967, ông Phạm Ngọc Cảnh được Nhà nước cử sang học Đại học ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Đến năm 1971, khi đang học năm thứ 3, nhà trường ông Cảnh theo học tổ chức cho sinh viên xuống thực tập ở Nhà máy phân đạm Hưng Nam. Tình cờ nhìn thấy cô gái làm trong phòng thí nghiệm của Phân xưởng máy nén khí 4.000 mã lực, chàng trai Phạm Ngọc Cảnh đã cảm mến cô gái Triều Tiên Ri Yong Hui ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngay lúc ấy ông Cảnh đã nghĩ, “Giá như cô ấy trở thành vợ của mình thì thật là tốt”.

Thế nhưng thời điểm đó giữa hai quốc gia có những quy định ngặt nghèo, nam nữ không được phép yêu nhau. Tình yêu thầm kín ấy được hai người giữ kín trong lòng. Có lần ông Cảnh gặp cô gái Triều Tiên ở hành lang khi đi lấy mẫu thí nghiệm, ông cố tình chạm mặt để chào hỏi. Hai người chỉ kịp chào nhau một câu, rồi đi luôn chứ không dám dừng lại trò chuyện gì nhiều.

“Ngay từ đầu gặp anh ấy tôi đã rất thích. Anh ấy có một ngoại hình tuấn tú. Tôi biết đây là tình yêu của đời mình. Nhưng tôi lại thấy rất buồn, vì lúc đó tình yêu của chúng tôi thật khó có thể trở thành hiện thực. Thật sự lúc ấy chúng tôi không được phép yêu nhau. Nhưng tuổi trẻ ai biết được tình yêu lại mạnh mẽ thế” – bà Ri Yong Hui nhớ lại.

Chẳng cần bất cứ một ngôn từ nào để diễn tả tình yêu của hai con người ấy. Từng ánh nhìn, từng cứ chỉ đều nói lên hai trái tim đó đã thuộc về nhau. Đến hết ngày thực tập, ông Cảnh mạnh dạn vào phòng thí nghiệm của cô gái, ông mang theo món quà nhỏ là chiếc khăn mùi xoa ở Trung Quốc với bức ảnh chụp chung với hai người bạn tặng cho người yêu. Sau khi hỏi được địa chỉ, chờ đến kỳ nghỉ hè vào mỗi sáng chủ nhật, ông Cảnh bắt xe buýt đi tới nhà người yêu.

Năm 1973, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Cảnh kết thúc việc học, đành tạm chia tay người yêu để trở về quê hương. Họ chỉ kịp trao cho nhau nỗi nhớ thương, những ước mong về một tương lai xa vời qua những cánh thư. Họ gọi nhau là “đồng chí”, lời lẽ hết sức chừng mực nhưng trong trái tim mỗi người đều duy trì ngọn lửa tình yêu mãnh liệt mà cả hai dành cho nhau.

24 năm sau, tình cờ nghe được cuộc nói chuyện từ người bạn làm việc ở Bộ ngoại giao, ông Cảnh biết được thông tin Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm sắp có chuyến thăm Triều Tiên. Ngay khi ấy, ông đã viết một bức thư kể lại mối tình sâu sắc của mình với cô gái Triều Tiên và nhờ Bộ trưởng can thiệp giúp. Lúc bấy giờ, ông Cảnh cũng mới nói thật với gia đình nguyên do vì sao bao năm qua vẫn không chịu kết hôn. Bà Phạm Thị Mộng Thu, em gái ông Cảnh nhớ lại: “Khi nghe tin anh chúng tôi rất thương, anh ấy giấu bao nhiêu năm mới nói ra tình yêu của mình, khi nói ra rồi cũng không thực hiện được ngay mà phải chục năm sau mới thành hiện thực”.

Thế nhưng chuyến đi ấy vẫn chưa thể tác hợp cho ông Cảnh và bà Ri, phải đến 5 năm sau khi đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm Triều Tiên, cùng đi có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, tình yêu của họ mới có tín hiệu lạc quan.

Ngày 2/5/2002, đoàn thăm Triều Tiên do Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu lên đường. Xúc động trước tình cảm son sắt của đôi trai gái trắc trở mấy chục năm trời, Chủ tịch nước đã đề nghị nước bạn đồng ý cho đôi trẻ kết hôn.

Vào một ngày có lẽ đẹp nhất trong đời mình, ông Cảnh bất ngờ nhận được giấy phê chuẩn kết hôn của Uỷ ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên, cho phép ông lấy bà Ri Yong Hui. Sau khi tới Bộ Tư pháp tìm hiểu về thủ tục kết hôn với người nước ngoài, đúng ngày 1/10/2002, ông Cảnh một mình bay sang Triều Tiên để đón cô dâu. Ông Cảnh đếm từng ngày để được đưa người yêu về Việt Nam kết hôn. Đúng 23 ngày sau, chuyến bay đón dâu từ Triều Tiên về quê hương Việt Nam được khởi hành. Sau khi về nước, đám cưới được gia đình, bạn bè của ông Cảnh tổ chức trang trọng tại Nhà thi đấu Hà Nội.

Vậy là, sau 31 năm chờ đợi, tình yêu của ông bà đã có một cái kết có hậu. Hai người yêu nhau cuối cùng cũng đã tìm về bên nhau. Có lẽ bất cứ ai cũng xúc động khi nghe về câu chuyện tình xuyên thế kỷ của ông Cảnh và bà Ri. Sau 31 năm chờ đợi mỏi mòn, ông bà đã có những năm tháng hạnh phúc ở tuổi xế chiều.

Năm nay, ông Cảnh bước sang tuổi 73, còn bà Ri thì 74 tuổi. Đã 20 năm trôi qua kể từ ngày ông Cảnh rước được cô dâu Triều Tiên về Việt Nam. Dù không có con, nhưng tuổi già của ông bà vẫn thật hạnh phúc. Kể từ khi về làm dâu Việt Nam, bà Ri cũng nhận được sự yêu thương và ủng hộ của cả gia đình và 3 người em gái của ông Cảnh.

Ông Cảnh luôn thầm cảm tạ trời đất đã cho hai người sống bên nhau. Dù cuộc sống bên ngoài luôn vội vã, nhưng ở bên bà, ông luôn cảm thấy bình yên lạ kỳ. Tuổi già không chỉ chăm sóc nhau những lúc ốm đau, bệnh tật, ông bà còn thường xuyên đi du lịch cùng nhau khi có điều kiện. Như để bù đắp cho những năm tháng xa nhau, hai ông bà lúc nào cũng như hình với bóng. Hiểu được nỗi nhớ cố hương khi lấy chồng nơi đất khách, ông Cảnh cũng đã vài lần đưa vợ trở về thăm quê ở Triều Tiên.

51 năm qua, kể từ ngày đầu gặp gỡ, ông Cảnh đã thực hiện được lời hứa và giữ trọn lời thề với người yêu là “cưới cô ấy về làm vợ” và chăm sóc cô ấy suốt đời. Câu chuyện cứ ngỡ chỉ có trong ngôn tình của vợ chồng ông Cảnh đã truyền cảm hứng tới rất nhiều người.

Sau tất cả, chuyện tình cổ tích vượt thời gian, xuyên biên giới của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui đã đơm hoa kết trái, khiến mỗi người có thêm niềm tin vào một tình yêu chân thành và thuần khiết. Ông Cảnh tâm sự: “Tôi bảo tôi sẽ yêu cô ấy suốt đời. Nhà thơ Tố Hữu đã nói là “Người với người sống để yêu nhau” nên tôi chỉ làm một điều như thế thôi. Tôi nghĩ đó là tình cảm của con người với nhau, mình làm đúng thế sẽ thực hiện được, tôi luôn tin tưởng như thế”.

“Có gì trên đời đẹp hơn thế?/Người với người sống để yêu nhau”. Tình yêu xuyên thế kỷ của cô gái Triều Tiên và chàng trai Việt là minh chứng rõ ràng nhất về sự bất diệt của tình yêu.Vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, giờ đây ở tuổi xưa nay hiếm, tình yêu của ông Cảnh, bà Ri chẳng cần hoa mỹ ồn ào nhưng từ đầu chí cuối vẫn đậm sâu nồng nàn, khiến ai nấy đều khâm phục, ngưỡng mộ./.