Hơn 40 năm tham gia cứu giúp hàng trăm nạn nhân bị tai nạn giao thông, bà Đào Thị Liên (ở Kim Thành, Hải Dương) luôn tâm niệm rằng, mình cứu người vì cái Tâm, cái Đức và xuất phát từ nghề Y...

Hiệp sỹ giao thông

Hơn 40 năm qua, người dân sinh sống ven Quốc lộ 5 (QL5), thuộc thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành (Hải Dương) đã quen với hình ảnh bà Đào Thị Liên (SN 1949) không ngại khó, sợ khổ tự nguyện cứu giúp những người gặp tai nạn giao thông ở khu vực ngã 4 "tử thần" xã Phúc Thành. Với những hành động nghĩa hiệp, bà Liên đã được mọi người trìu mến gọi tên "Hiệp sĩ giao thông".

Trong gian nhà nhỏ nằm cạnh QL5 những ngày cuối năm, chúng tôi không chỉ cảm nhận được không khí ấm áp tình người mà còn cảm phục những việc làm của nữ y sĩ tuổi cao. Nếu không để ý những kỷ niệm chương, giấy khen, bằng khen...treo trên tường thì ít ai có thể ngờ, người phụ nữ tóc bạc trắng đang ngồi trước mặt chúng tôi chính là ân nhân cứu giúp hàng trăm nạn nhân gặp tai nạn giao thông thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Nói về danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" bà Liên cười nói: "Bản thân làm việc cứu người gặp nạn giao thông không phải được khen thưởng, tiền bạc, được danh hiệu... mà tôi làm từ cái Tâm - cái Đức của những người làm nghề Y. Nếu không theo nghề Y, chưa chắc tôi đã làm được việc này. Bởi khi tiếp cận với y học, tôi mới có kiến thức để sơ cấp cứu cho người gặp nạn, ốm đau. Đến giờ, dù đã về hưu hơn 20 năm, nhưng đôi lúc ngẫm lại công việc mình làm, phải thừa nhận mọi việc đến với mình như duyên định mệnh".

Theo lời kể, bà Liên vốn sinh ra ở xã Cộng Hòa (cùng huyện Kim Thành), sau khi học xong phổ thông, bà tham gia đoàn thanh niên địa phương và dân công hỏa tuyến. Trong lúc bạn học cùng trang lứa chọn các ngành thương nghiệp, kế toán... thì bà được cử đi học ngành Y để cứu người.

Năm 1968, bà học y sĩ tại tỉnh Hà Bắc. Đến năm 1971, sau khi học xong, bà có cơ hội làm việc tại bệnh viện ở Hà Nội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, bà xin về Bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành (nay là Trung tâm Y tế) công tác ở Khoa Ngoại - Sản cho đến lúc về hưu năm 2001.

Nhờ công việc thường xuyên tiếp xúc với những ca phẫu thuật tại bệnh viện nên suốt thời gian công tác, bà Liên đã trau dồi cho mình thêm bao kiến thức, kỹ năng, thủ thuật trong sơ cấp cứu người bệnh sau này.

Khoảng năm 1980, sau khi cùng gia đình chuyển về sinh sống ven QL5 (ngay cạnh ngã tư xã Phúc Thành), thi thoảng chứng kiến những vụ va chạm giao thông, tai nạn thảm khốc trên đường, bà Liên nhận thấy mình cần mang kiến thức, kinh nghiệm làm nghề vào giúp người gặp nạn. Vì thế, mỗi khi thấy người đi đường bị ngã, hay xe đâm, bà Liên lại chạy ra giúp. Ai bị thương nhẹ, bà lau rửa băng bó vết thương. Còn những trường hợp nặng hơn, bà sơ cứu, băng bó rồi cùng mọi người đưa nạn nhân đi bệnh viện. Từ đó, bà Liên bắt đầu cuộc hành trình của người "hiệp sĩ" cứu giúp người bị nạn.

Lật giở cuốn nhật ký ghi chép những vụ tai nạn giao thông mà mình cùng người thân trong gia đình từng cứu giúp nạn nhân từ năm 2006, bà Liên tâm sự: "Thời gian đầu làm công việc này, ai cũng bảo tôi dở hơi, già còn "vác tù và hàng tổng". Có người còn ác ý, gièm pha bảo mình có ý đồ gì cá nhân mới làm công việc này. Buồn nhất, những người thân thiết cũng ngờ vực lòng tốt của mình. Họ cho rằng tôi đang lợi dụng công việc cứu người để trục lợi, hôi của. Lúc đó, tôi thực sự bỏ hết ngoài tai những lời bàn tán đó, chỉ tập trung cứu người. Sau này, người dân xung quanh thấy tôi cứu người vô điều kiện, không tư lợi nên từ nghi ngờ, đàm tiếu chuyển sang tin tưởng, yêu mến. Có vụ tai nạn nào họ cũng gọi "bà Liên ra cứu hộ" rồi dần dần, chính họ cũng nhiệt tình tham gia theo.

Từng bị nghi oan

Nhớ lại kỷ niệm trong hành trình cứu người gặp nạn, bà Liên tâm tư: Có 1 vụ tai nạn khiến tôi nhớ mãi, đó là vụ việc xảy ra khoảng 6h30 phút sáng 5/9/2014. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thúy (trú tại xóm 1, thôn Thái Dương Nam, xã Phúc Thành) chở con gái là cháu Đỗ Thị Ngọc Ánh đến trường dự khai giảng. Khi sang đường, xe của mẹ con chị Thúy bị một ôtô khách đi ngang qua, đâm phải khiến xe máy văng xa. Hiện trường lúc đó kinh khủng lắm, chị Thúy ngất lịm, còn cháu Ánh nằm trên xe máy trong tình trạng bất tỉnh mà xe thì đang bốc cháy. Nghe tiếng kêu cứu, tôi cùng con trai chạy vội ra khỏi nhà, không biết sợ hãi gì lao vào dập lửa, cứu người.

Sau khi sơ cứu hô hấp nhân tạo cho cháu bé và băng bó vết thương cho 2 mẹ con chị Thúy, tôi và một số bà con khẩn trương đưa mẹ con chị Thúy vào BVĐK huyện Kim Thành cấp cứu. Đến khi người nhà nạn nhân tới, Bệnh viện căn cứ tình trạng bệnh đã làm thủ tục cho chuyển mẹ con chị Thúy lên Bệnh viện Việt Đức chữa trị", bà Liên kể.

Trong câu chuyện về đời làm hiệp sĩ của mình, bà Liên có chút ưu tư khi nhớ lại những rắc rối, hàm oan khi cứu người. Theo lời bà Liên, có những vụ việc, sau khi sơ cứu đưa nạn nhân đi viện, bà và người nhà bị gia đình nạn nhân nghi ngờ, đổ oan lấy tiền, tài sản của nạn nhân, thậm chí họ còn cho rằng chính bà là người gây ra tai nạn.

"Đó là năm 2010, khi một thanh niên ở xã Kim Lương (huyện Kim Thành) bị tai nạn giao thông được mẹ con bà Liên sơ cứu, băng bó vết thương và đưa vào bệnh viện. Khi tỉnh dậy, người này nói: Lúc đi có mang trong người số tiền lớn để lo công việc. Thế là người nhà cho rằng mẹ con bà đã lấy tiền của nạn nhân trong khi sơ cứu. Vụ việc còn diễn biến phức tạp tới mức công an phải vào cuộc điều tra. Rất may, lúc cứu người có nhiều người làm chứng, khẳng định không có việc mẹ con bà lấy tiền người gặp nạn. Một người dân làm chứng đã phát hiện, trong lúc mẹ con bà Liên mải sơ cứu người gặp nạn đã có 1 thanh niên đứng ngoài nhảy vào "hôi của". Sau đó, công an bắt được người đã lấy trộm tiền và lúc đó, hàm oan của mẹ con bà mới được giải thoát. Thực sự những lúc như thế, cả nhà mình rất buồn, nản vì làm ơn thành rắc rối, thị phi", bà Liên trầm giọng kể lại.

Hiện tại, gian nhà nhỏ của bà Liên nằm cạnh QL5 là điểm cứu hộ tai nạn giao thông được trang bị đầy đủ tủ thuốc, dụng cụ y tế, sổ, bút ghi chép.

Đến bây giờ, người y sĩ tuổi cao không thể thống kê hết trong hơn 40 năm qua bản thân bà cùng con cháu đã cứu giúp bao nhiêu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 200 nạn nhân gặp nạn được cứu giúp và trong số đó nhiều vụ, nạn nhân là người trong làng, trong xã. Đáng chú ý, từng vụ việc được bà ghi chép tỉ mỉ ngày giờ xảy ra vụ việc, tên tuổi nạn nhân, quê quán, đơn vị công tác, bị làm sao, sơ cứu thế nào...

"Bây giờ, tôi không còn đơn độc trong việc cứu hộ tai nạn giao thông nữa vì đã có 2 con trai, 1 người cháu gái đang công tác trong ngành Y tham gia cùng. Tôi chỉ dừng công việc này khi không còn sức khỏe...", bà Liên trải lòng.

Mặc dù năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng chưa khi nào bà Liên có ý định thôi công việc cứu người gặp nạn. Bà luôn tâm niệm rằng: Còn sức khỏe thì bản thân còn làm và mỗi khi nghĩ đến điều này, bà luôn ghi nhớ lời căn dặn của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong lần gặp mặt: "Bác tuổi cao rồi đã tính chuyện nghỉ làm cứu hộ chưa?". Bà Liên đáp: "Em còn làm đến khi nào không đi được nữa mới thôi. Chứ còn sức khỏe và còn những vụ tai nạn giao thông thì em còn cứu người bác ạ! Khi nào không làm được em sẽ truyền lại cho các con, các cháu tiếp tục công việc cứu hộ giao thông".

(Theo suckhoedoisong.vn)