"Chồng là người đầu tiên phản đối tôi học bằng lái ôtô. Song ngày 22/2, khi biết kết quả thi của vợ, ông nói: bà giỏi thật", bà Nguyễn Thị Hương, 72 tuổi, trú thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh kể.

Về hưu hơn chục năm trước, vợ chồng bà Hương thỉnh thoảng di chuyển bằng xe đạp và xe máy, đôi lúc đi công việc ở xa thì nhờ con cháu lái ôtô chở. Song không phải khi nào con cháu cũng thu xếp được vì họ đều bận công việc.

Nhiều lần bàn với chồng học bằng lái ôtô, trích tiền tích góp bấy lâu mua chiếc xe chạy để "đỡ khỏi phải phụ thuộc ai", nhưng bà Hương đều nhận được cái lắc đầu từ chồng. Ông cho rằng tuổi già huyết áp không ổn định, lái xe nguy hiểm.

Bà Hương trả lời mình trí tuệ còn minh mẫn, hàng ngày đều đặn dậy tập thể dục, đánh bóng chuyền hơi lúc 5h, đôi khi còn lái xe máy Exciter (một dòng xe côn giành cho giới trẻ) đi chợ và thăm con cháu, nên "lái ôtô không có gì khó, tự tin bản thân có thể làm chủ vô-lăng nếu được học tập bài bản".

Sau hàng chục lần thuyết phục, chồng chấp thuận cho bà làm hồ sơ học bằng lái ôtô, kèm câu nói đùa: "Mua xe về đừng bỏ rơi tôi". Con trai và con dâu ủng hộ, tin mẹ sẽ làm được, động viên nếu sau này thiếu tiền mua ôtô sẽ giúp.

Tháng 10/2021, bà Hương đi khám sức khỏe, làm hồ sơ gửi lên trường Cao đẳng công nghệ nghề Hà Tĩnh, đăng ký học hạng B11 (số tự động không kinh doanh dịch vụ). Qua kiểm tra, thấy mọi chỉ số sức khỏe của học viên đều đạt yêu cầu, trường chấp thuận hồ sơ. Tuy nhiên, do hạng B11 chưa có khóa mới, thầy giáo hỏi bà có học được hạng B2 (số sàn) không, và câu trả lời là có, "số nào chẳng như nhau".

Đăng ký xong hồ sơ, bà Hương về đặt mua tài liệu Luật giao thông đường bộ cùng bộ đề hàng trăm câu hỏi dùng cho sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới để ôn luyện. Đọc hết nhiều lượt trong cuốn tài liệu Luật giao thông đường bộ để tìm hiểu luật, song bà Hương chia sẻ thời gian đầu kiến thức mình thu nạp được rất ít, nhớ ý này quên ký kia. Thử làm bộ đề trên sách, song điền đáp án nào cũng sai. "Có lẽ bó tay, không học nổi", bà Hương từng nghĩ.

Mỗi ngày, bà Hương dành khoảng 3-4 tiếng để ôn bài. Người phụ nữ làm các câu hỏi trên sách, sau đó đối chiếu đáp án, đọc đi đọc lại để ghi nhớ từng nội dung, khi thành thục thì lên mạng tải bộ đề về máy tính và điện thoại để làm. Sau hơn hai tháng, bà không còn cảm thấy khó với hơn 600 câu hỏi lý thuyết.

"Chồng từ phản đối chuyển sang ủng hộ hết mực. Trong thời gian tôi ôn thi, ông luôn vào bếp nấu ăn, giặt quần áo, làm tất cả mọi việc nhà. Đây là động lực tinh thần to lớn để cố gắng", bà Hương nói.

Với học thực hành, lần đầu tiên cầm vô-lăng lái thử ôtô 5 chỗ, thầy giáo ngồi bên hỏi: "Bác có chóng mặt không", bà Hương trả lời: "Thấy bình thường". Tuy nhiên, bật chìa khóa nổ máy rồi nhả chân côn, chuyển cần số về số một để đạp chân phanh thì chết máy. "Hơi ngại, nhưng không sao", bà Hương cười.

"Tôi xác định khi học thực hành sẽ nỗ phải lực gấp ba lần so với người khác. Học viên trẻ một tuần ôn hai buổi, còn tôi lúc nào rảnh là gọi điện cho thầy lái xe đến đón đi học. Có tuần hầu như không nghỉ buổi nào", bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, thầy giáo áp dụng giáo án dạy mình có phần khác so với những học viên khác. Biết bà khi nổ máy không làm chủ được chân côn và chân ga, thầy giành trọn một buổi để ôn luyện phần này. Với các bài vào gara, khởi hành ngang đốc (đề-pa)... cũng áp dụng phương pháp tương tự.

"Tôi nói với thầy là cứ chỉ dạy cho bác, hết bao nhiêu tiền xăng bác gửi. Tháng đầu tiên, thấy tôi tiếp thu được ít, thầy nói nếu bác cảm thấy áp lực quá, không theo tiếp cũng chẳng sao. Tuy nhiên tôi đáp giờ cảm thấy nghiện rồi", bà kể.

Trong các bài học, bà Hương cảm thấy khó khăn nhất là phần đề-pa. Xe cứ lên đến dốc là hai chân cảm thấy run, xe chết máy. Bà sau đó khắc ghi câu "nhả chân côn, rà chân ga" để chinh phục phần đề-pa. Sau hai tháng, xe khởi hành và dừng ngang dốc không còn chết máy, ăn điểm tuyệt đối.

"Vì chưa mua ôtô nên tôi không áp lực thời gian. Tôi nói với thầy cứ truyền đạt kiến thức, bao nhiêu tháng cũng không quan trọng, miễn là tiếp thu tốt. Khi nào cảm thấy học viên thi đỗ thì mới chốt hồ sơ sát hạch", bà Hương cho hay.

Từ tháng thứ ba trở đi, bà Hương làm chủ được chiếc xe, được thầy đánh giá cao. Tại buổi thi tốt nghiệp của trường, nữ học viên 72 tuổi đạt 35/35 điểm thi lý thuyết. Với thực hành lái xe trong hình và trên đường, điểm số đều trên 90.

Ngày 22/2, tại kỳ thi cấp bằng lái, bà Hương đạt 33/35 điểm lý thuyết, 90/100 phần thi thực hành lái xe trong hình và 95/100 thực hành lái xe trên đường.

Thấy bà Hương thi lần đầu đỗ kết quả cao, nhiều thanh niên tham gia thi cùng đùa nhau: "Nhìn bà mà học tập". Người phụ nữ 72 tuổi tâm sự rất vui khi nỗ lực được đền đáp, song chưa hài lòng với kết quả. Theo bà, đáng lẽ lý thuyết phải đạt điểm tuyệt đối, nhưng không hiểu sao ngồi trong phòng thi run quá nên tích sai hai câu. Về thực hành, việc mất điểm ở một vài phần thi là chấp nhận được.

"Tôi đặt mục tiêu cho bản thân là phải học nhuần nhuyễn, điều khiển ôtô chạy trên đường cảm thấy an tâm thì mới mua xe, nay cảm thấy rất tự tin. Tôi thường chạy 40 km/h với khu đông dân cư, ngoài đường lớn là 50 km/h", bà Hương nói.

Người phụ nữ chia sẻ thêm, trong mọi việc, nếu kiên trì và nhẫn nại thì ắt sẽ thành công. Sắp tới vợ chồng sẽ bàn bạc để quyết định mua hãng xe gì cho phù hợp. Nếu mua ôtô số tự động thì sẽ nhờ thầy giáo dạy thêm để làm chủ nó.

Thầy Phạm Văn Sinh, giáo viên dạy lái ôtô Trường cao đẳng công nghệ nghề Hà Tĩnh cho biết, bà Hương là học viên nữ cao tuổi nhất mà mình từng dạy. "Bác ấy thông minh, nói đến đâu hiểu đến đó. Có những câu lý thuyết chỉ cần nhắc đến vài chữ đầu tiên, bác đã nói luôn đáp án. Tuy tuổi đã già song đôi chân bác rất dẻo, tay phản xạ cực nhanh, tôi ngồi bên cảm thấy an tâm", thầy Sinh nói.

Người đủ 18 tuổi trở lên sẽ được học bằng lái ôtô hạng B2, nếu đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe do Tổng cục đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) quy định). Học viên sau quá trình học sẽ trải qua ba phần thi để lấy bằng gồm: Sát hạch lý thuyết (32/35 điểm), thực hành lái xe trong hình thực hành lái xe trên đường (80/100 điểm).

(Theo vnexpress.net)