Phát huy vai trò người cao tuổi

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến người cao tuổi, đó cũng là phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “kính lão đắc thọ” của dân tộc Việt Nam. Sự quan tâm đó được cụ thể hóa bằng nhiều phương thức, bao gồm hoạt động của các cấp Hội người cao tuổi. Ông Nguyễn Hiền Lương - Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Bạc Liêu cho biết, các cấp Hội người cao tuổi đã phối hợp tổ chức các hoạt động có hiệu quả, thiết thực trên cả 3 mặt công tác trọng tâm và 2 chương trình công tác lớn của Hội.

Hội người cao tuổi từ tỉnh đến cơ sở đều được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả, nhất là các chi hội người cao tuổi ở ấp, khóm. Số người cao tuổi được kết nạp hội viên ngày càng tăng, từ 84% năm 2016 tăng lên hơn 91% năm 2020. Công tác chăm sóc người cao tuổi được thực hiện đồng bộ, nhất là các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người cao tuổi. Các hoạt động vui chơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ưu tiên thăm hỏi các cụ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật, cô đơn… cũng được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện tốt.

Công tác phát huy vai trò người cao tuổi cũng được các cấp Hội người cao tuổi xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Các cụ tham gia công tác Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và hàng trăm tổ hòa giải ở cơ sở. Toàn tỉnh có 161 câu lạc bộ người cao tuổi theo sở thích, trong đó có 76 câu lạc bộ “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và 3 câu lạc bộ người cao tuổi “Không hút thuốc lá” đang hoạt động theo quy chế. Bên cạnh đó, 28 câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”, với trên 1.500 thành viên đang phát huy tích cực vai trò của mình.

Sẽ cống hiến đến khi còn có thể

Ông Nguyễn Văn Tới - Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu), bà Sơn Thị Ét - Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi ấp Giồng Nhãn và ông Trần Huông… là những người cao tuổi có nhiều đóng góp cho xã hội và là “cầu nối” giữa chính quyền các cấp với đồng bào dân tộc Khmer các xã ven biển thuộc thành phố. Ông Trần Huông vừa xin thôi công tác người cao tuổi của xã vào năm 2020 sau… 41 năm gắn bó vì lý do sức khỏe và công việc này được vợ của ông tiếp tục đảm nhiệm.

Theo Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh, vợ chồng ông Trần Huông thường xuyên đến thăm hỏi, hỗ trợ gạo mỗi tháng cho trên 10 hộ trong xã, đặc biệt là bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết của mình, vận động mạnh thường quân trong và ngoài nước giúp đỡ không biết bao nhiêu người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cái tên “Ông Hai tình nghĩa” mà người đời đặt cho ông Trần Huông đã phần nào nói lên tất cả! Động lực để vợ chồng ông Trần Huông làm nhiều việc thiện, tích cực công tác xã hội là từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm phải có tâm, uy tín và cống hiến đến khi còn có thể.

Vợ chồng ông Trần Huông xứng đáng là điển hình tiêu biểu “tuổi cao - gương sáng” của người cao tuổi tỉnh nhà. Với uy tín và kinh nghiệm của người cao tuổi Bạc Liêu, hàng ngàn người cao tuổi còn sức khỏe vẫn tham gia sản xuất - kinh doanh, làm giàu chính đáng, cùng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, hòa giải trong nhân dân.

Bên cạnh đó, người cao tuổi còn nhận các công trình, phần việc “Làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, như: làm lộ giao thông nông thôn, làm hàng rào cây xanh, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, hiến đất xây dựng đường, trường học… Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bản thân người cao tuổi không chỉ chấp hành nghiêm mà còn vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt thông điệp “5K” của ngành Y tế.

(Theo Nguyễn Quốc baobaclieu.vn)