Mỗi sáng sớm, cứ gà gáy là ông Léo thức giấc, pha bình trà ngồi nhâm nhi, ngắm mấy con tàu trước khi mặt trời lên. Quét xong cái nhà, ông ghé hàng xóm tán dóc mấy câu rồi vào xưởng làm bạn với những chiếc thuyền như hàng chục năm qua.

"Một ngày không đụng vào tụi nó là tui buồn bực trong người", ông lão ở ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại nói

Ông Léo cho biết, ít khi ở nhà mà dành chủ yếu thời gian trong ngày cho những mô hình tàu, thuyền, ghe xuồng trong cái xưởng nhỏ chưa tới 4 m2.

Ông bắt đầu theo cha đi tàu biển đánh bắt ngoài khơi từ năm học lớp 4. Lên 18 tuổi, ông Léo đã trở thành một tài công dày dạn kinh nghiệm. Những ngày tháng lênh đênh trên biển, các loại tàu thuyền đánh cá với hình dáng khác nhau trở thành ngôi nhà thân thiết, người bạn không thể rời xa của ông.

Năm 1975, ông nghỉ đi biển, lên bờ và bắt đầu chế tác, phục chế những con thuyền đã hằn sâu trong ký ức. "Theo thời gian, hình dáng, mẫu mã và cả tính năng của những con tàu, thuyền cũng thay đổi. Tôi nghĩ, nếu mình không phục chế, bảo tồn đến một ngày nào đó con cháu sẽ không còn biết cuộc sống của cha ông xưa diễn ra như thế nào", ông Léo giải thích.

Ông khẳng định, không ai bắt ông phải làm việc này nhưng ông luôn có cảm giác mình mang nợ với biển cả, buộc mình phải làm.

Mò mẫm trong thùng đồ nghề, ông Ba Léo móc ra cái dũa, cây búa cùng bào gỗ cầm tay đã gỉ sét, khoe do mình tự sáng chế để đóng thuyền. Không có kinh nghiệm về nghề mộc, một năm đầu ông phải tự mò mẫm mọi thứ, rất cực. Thời đó nhà nghèo, không có kinh phí mua nguyên liệu, ông phải chạy xe xuống tận Tiền Giang xin gỗ hoặc mua thiếu của bạn bè về làm.

Năm 1989, con tàu đầu tiên của ông ra đời sau nửa tháng, mang tên "Ký ức". Đó là chiếc tàu đánh cá gắn liền với ông suốt 30 năm mưu sinh trên biển.

"Lúc đó không có dụng cụ, tui phải làm bằng tay. Ngồi mần từng tí, bào cho thật nhẵn, phải cân đối, không vừa mắt là tui làm lại từ đầu", ông kể.

Nhưng chỉ đam mê thôi chưa đủ, gắng gượng tới năm 2008, ông Léo phải ngưng công việc vì thiếu tiền. Khoảng thời gian đó, ông kể, rất khủng hoảng vì vợ kêu ca suốt ngày, hàng xóm dè bỉu bảo ông "nghèo mà đi làm chuyện rảnh hơi".

"Tui bỏ mặc ngoài tai và thậm chí lấy những lời dè bỉu đó làm động lực để chứng minh đam mê của mình là đúng", người đàn ông nói.

Để có tiền nuôi đam mê, những năm đó cứ 4h sáng, ông Ba Léo đẩy xe bánh mì đi bán. Được 5 tháng, ông dư ít tiền rồi lao vào làm tiếp. "Cứ tranh thủ bán xong, tầm 9h tôi lại chạy ra xưởng ngồi đục đẽo", người đàn ông 72 tuổi nói.

Để phục chế những mẫu tàu giống với hình dáng trong ký ức đòi hỏi tính cẩn thận và kiên nhẫn bởi không có ảnh mẫu. Tất cả hình ảnh về tàu thuyền ông đều lưu trong đầu. "Hễ đóng sai chừng 5 mm là cũng phải tháo ra chỉnh lại", người đàn ông giọng đặc sệt miền Tây, kể.

Ông Léo cho biết, mỗi mẫu tàu thuyền đều mang đặc tính khác nhau và có cội nguồn riêng của nó. Chiếc tàu lớn nhất dài 1,5 m và nhỏ nhất là 4 cm. Cái khó nhất là định hình khung mẫu, chi tiết con tàu. "Có những chiếc lâu năm tui không nhớ chính xác dáng dấp của nó, phải bỏ công đi xác minh mất mấy tháng. Mình phục chế phải cho đúng chứ không thể làm bậy", ông kể.

Cầm trên tay chiếc xuống ba lá, ông Léo khoe vừa làm xong được hai ngày trước. Ông kể, loại xuồng này xuất hiện từ 50 năm trước nên phải mất hơn một tháng đi tìm người còn sống thời đó ở xóm chài xã Bình Thắng, xác nhận đúng mẫu xưa, ông mới an tâm bắt tay làm.

Ông Léo ấn tượng nhất với những con tàu đi biển ở vùng Nam Bộ, nơi ông sinh ra và lớn lên. Đò khách tốc hành của Cà Mau, mô hình chiếc phà An Hóa - Bến Tre, con tàu lưới bao đèn của Tiền Giang... đều được ông quan sát và tỉ mẩn tái hiện ở phiên bản thu nhỏ. Ngoài ra, ông còn sáng chế các mô hình tàu chiến, máy bay theo đúng hình ảnh, tư liệu lịch sử mà ông thu thập được.

Hơn 30 năm qua, hơn 400 con tàu ông đóng vẫn còn nguyên vẹn, không bong tróc hay hư hỏng. "Tui phải chọn loại gỗ tốt mới bền", ông nói. Ngày nào ông cũng lau chùi sạch sẽ những chiếc tàu, kiểm tra từng chi tiết nhỏ xem có hư hỏng để chỉnh sửa.

"Người ta làm để bán còn tôi làm để lưu giữ ký ức", ông Léo tâm sự. Cũng vì thế mà nhiều người hỏi mua ông đều không đồng ý, kể cả khi được trả giá đến hàng chục triệu đồng. Ông nói, chỉ bán khi gặp người có tâm huyết với mô hình. "Nhận đồng tiền bán chủ yếu cho vui và mua nguyên liệu chứ mình không thương mại", ông nhấn mạnh.

Vợ ông, bà Trần Thị The kể, đã có những lần mang con tàu chồng vừa phục chế xong, vứt xuống sông hoặc đem chôn bởi thấy ông cứ suốt ngày cứ đục, đẽo, cơm nước không ăn uống gì. "Hễ nhắc tới ổng là bực bội. Tiền bạc thì không có mà cứ ngồi mần miết. Nói riết không được, tui chiều theo ý ổng muốn mần gì đó mần", bà The phân trần.

Không còn lênh đênh trên biển, nhưng cái hồn của biển vẫn chảy trong người lão ngư Ba Léo. "Cả xóm hay gọi ổng là vua biển. Ở đây chưa từng thấy ai làm được như ổng. Tối ngày thấy chú Ba lụi cụi trong xưởng đục, đẽo miết. Bây giờ già nên ổng ít làm hơn trước rồi đó", một người hàng xóm kể.

Năm 2010, ông Léo được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nghệ nhân sở hữu bộ sưu tập mô hình tàu thuyền khai thác thuỷ sản và đường sông nhiều nhất.

Chiều xuống, dọn đống đồ nghề, ông Ba Léo lại ngồi ghế đá nhâm nhi ly trà. "Nhìn lại những sản phẩm đã phục chế, tâm hồn mình được thoải mái, trong lòng vui sướng nhưng cũng đầy lo âu. Không biết thế hệ mai sau có còn muốn nhớ đến những con tàu thuyền ký ức, nét văn hóa của quê hương?", lão ngư 72 tuổi trầm tư.

Theo Vnexpress.net