Cuộc sống của ông Nguyễn Văn Hốt và bà Nguyễn Thị Thúy ở quận Thanh Xuân, Hà Nội có lẽ không quá chật vật nếu như cả hai đều có lương hưu. Song giữa chốn thị thành, chi tiêu đắt đỏ mà mọi khoản chi đều trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi của mình ông Hốt nên dù “khéo co” đến mấy, tháng nào cũng vậy, ông Hốt-bà Thúy đều cảm thấy “thiếu trước, hụt sau”. Cũng vì thế nên trước đây bà Thúy chẳng khi nào dám nghĩ đến những chuyến du lịch. Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 1 năm, bà Thúy than thở “Trước có mỗi đồng lương của bác trai nên chi tiêu phải rè xẻn, chả dám đi du lịch”

Tháng 7 năm ngoái, ông Hốt, bà Thúy may mắn được mời tham gia vào một Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi ở phường. Tại đây, ông bà được vay một khoản vốn nhỏ với lãi suất ưu đãi, đồng thời được hướng dẫn cách thức sản xuất giá sạch để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhận thấy công việc phù hợp với sức khỏe, vốn đầu tư ít, dễ làm và lại được hướng dẫn về kỹ thuật nên ông Hốt-bà Thúy đã nắm bắt cơ hội.

Bình quân mỗi ngày, hai ông bà ngâm, ủ khoảng 1,5 kg đậu, làm đúng theo quy trình sản xuất giá sạch, cứ sau 3 đến 5 ngày lại thu được 6 đến 9 cân giá thành phẩm. Giá được làm ra đến đâu bán hết đến đó, trừ chi phí, mỗi ngày ông bà thu lãi từ 80.000 đến 100.000 đồng. Số tiền lãi không lớn nhưng đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống của hai ông bà. Bà Thúy tự hào kể “Thay vì phải rè xẻn chi tiêu như trước, giờ đây năm nào chúng tôi cũng đi du lịch ít nhất một lần nhờ có thu nhập từ việc làm giá”. “Công việc phù hợp sức khỏe, lại có đồng ra đồng vào nên cũng phấn khởi. Chúng tôi còn không bỏ sót cuộc vận động từ thiện nào mỗi khi chính quyền kêu gọi”, ông Hốt khoe.

Cuộc sống cứ như thế tiếp diễn, dù đã ngoại lục tuần nhưng ông Hốt, bà Thúy vẫn chưa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Bởi việc sản xuất giá sạch giờ đây vừa là nguồn vui nhưng đồng thời cũng là nguồn thu nhập chính để hai ông bà trang trải các chí phí gia đình.