Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi và chất đầy sản phẩm nông nghiệp sạch của gia đình, ông Đặng Quyết Tiến, hội viên người cao tuổi ở bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ bí quyết làm giàu của gia đình. Nhìn mái tóc bạc trắng, nước da hồng chắc nịch và tác phong khỏe khoắn của ông, nếu không biết trước thì người gặp lần đầu không nghĩ ông là nông dân thứ thiệt. Ông bảo: Lao động vừa khỏe người, có thu nhập lại làm gương cho con cháu.

Hiện trong vườn cây của gia đình có hơn 500 gốc mận, 1,5ha chè. Cứ tần tảo, túc tắc 2 vợ chồng ông vừa lao động vừa rèn luyện sức khỏe. Lúc nào đến mùa vụ thu hoạch thì nhờ thêm bà con trong bản, tập trung chỉ mấy ngày là xong. Khi mệt hơn thì chỉ đạo con cháu làm, còn ông bà rút vào hậu trường, chăm sóc các cháu, tư vấn kĩ thuật, truyền đạt kinh nghiệm cho các con. Với cây chè, mỗi năm dăm, sáu lần được thu hoạch, còn mận cơm, mỗi năm một vụ thôi, nhưng năng suất, có cây được đến hơn 2 tạ quả. Có người vào tận nơi thu mua nên không sợ ế.

Ông Tiến nhớ lại thời thanh niên, còn tham gia công tác xã hội, làm cán bộ xã, có lúc lên đến chức Bí thư Đảng ủy, 15 năm làm lãnh đạo cao nhất của chính quyền, 10 năm là người đứng đầu cấp ủy xã. Vậy mà cứ đi công tác về, dựng xe, buông cặp tài liệu là cởi áo công sở, khoác áo lao động, đeo dao bên sườn ra vườn, lên rừng phát cây, cuốc đất, bắt sâu. Để bảo đảm kĩ thuật và tiếp sức, tăng năng suất cây trồng, ông bà áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Cứ đến tháng 9 tháng 10 hàng năm, ông bà lại cắt tỉa cành, xới gốc bón phân. Nhờ vậy mà cây nào cây nấy đều lớn khỏe, cho năng suất cao. Bà con thôn bản ngưỡng mộ, đến học hỏi kinh nghiệm, ông đều sẵn sàng hướng dẫn, lại còn hỗ trợ giống vốn, trả chậm khi khó khăn…

Ở bản Dao Pa Hốc ai cũng nhắc đến ông Bàn Văn Xin, Chi hội trưởng người cao tuổi (NCT) để nêu gương cho con cháu và thế hệ trẻ về sự kiên trì, nhiệt tình và quyết tâm vượt lên thoát khỏi đói nghèo. Rót chén trà mời khách, ông trả lời câu hỏi của tôi: Pa Hốc dịch ra tiếng địa phương là “Rừng cây mênh mông”. Đây vốn là nơi rừng núi hoang vu, rậm rạp, đất dốc trôi màu lắm nên việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu trồng chè và các loại đỗ đậu, việc canh tác phụ thuộc vào thời tiết là chính nên thu nhập rất bấp bênh, không ổn định. Năm nay, do thời điểm mận ra hoa thì gặp mưa nhiều nên cây không đậu được trái, năng suất không được như mọi năm. Với 7 ha vườn rừng, ông trồng gần 1.000 cây mận hậu, gần 7.000 gốc chè và mới đây trồng thêm 2.000 gốc nữa. Ban đầu khi đầu tư vào vườn rừng, ông cũng phải vay ngân hàng cả mấy trăm triệu đồng để mua giống, mua phân bón và máy móc phục vụ cho sản xuất.

Ông cho biết, đến nay lao động chính trong nhà là con trai con dâu. Ông bà đến tuổi nghỉ ngơi rồi, giúp con trông nom nhà cửa, đỡ đần các công việc vừa sức và hỗ trợ vốn, kinh nghiệm cho các con làm giàu. Chi hội NCT bản Pa Hốc có trên hai chục hội viên, đa số các cụ sống cùng con cháu dưới một mái nhà. Tất cả những ai đến tuổi đều được vận động vào Hội nên tỷ lệ NCT tham gia đạt 100%. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên NCT vẫn phải sáng lên nương rẫy, tối mới về nhà, không có thời gian mà tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao. Nhưng ai cũng hăng say lao động, nêu tấm gương sáng về tính kiên trì, nghị lực vượt khó cho con trẻ. Vào dịp Tháng hành động vì NCT Việt Nam hàng năm, Hội lại trích Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thăm tặng quà NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đợt khám đầu năm, hàng chục hội viên, NCT được kiểm tra sức khỏe tổng quát, tư vấn cách phòng tránh các bệnh liên quan đến tuổi già như huyết áp, tim mạch, xương khớp và được cấp thuốc bổ miễn phí.

Theo ông Phùng Đức Su, Chủ tịch Hội NCT xã Phiêng Luông thì toàn xã có đến 90% là nông dân, gắn bó với con dao cái cuốc, có nhiều kinh nghiệm trong lao động sản xuất; trong đó 10 hội viên NCT được vinh danh làm kinh tế giỏi. Ông Tiến, ông Xin đều là những tấm gương sáng trong gia đình và cộng đồng, còn sức còn tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội.

Bí thư Đảng ủy xã Bàn Văn Lợi cho biết: Bám sát nghị quyết phát triển kinh tế của Đảng bộ xã, các chi bộ, đảng viên, nhất là NCT đã nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu và vận động con cháu áp dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giống mới, thâm canh tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện Phiêng Luông đã xây dựng được gần 30 mô hình kinh tế với các loại cây trồng mũi nhọn như chè, mận, bơ, rau trái vụ...; hơn 100 hộ đầu tư làm hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; thành lập 3 tổ hợp tác và 3 HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,73%.

Trong những chuyến về cơ sở, phóng viên thật sự ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong cả cuộc sống lẫn phong trào của NCT, nhất là NCT ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi ở vùng cao, việc kiếm được vài trăm triệu đồng mỗi năm hoặc triển khai các nhiệm vụ của Hội khó khăn gấp nhiều lần so với các khu vực khác./.

Theo Ngaymoionline