Bí quyết sống hạnh phúc của không ít người cao tuổi là được an nhàn, nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu sau khi đã dành phần lớn cuộc đời để làm việc. Còn với PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên giảng viên khoa Triết - Đại học Tổng hợp Hà Nội, niềm vui tuổi già chính là được tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu, đóng góp cho ngành khoa học xã hội học. Làm khoa học khiến tuổi 70 của ông luôn mạnh khỏe, thư thái và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

PGS.TS Vũ Hào Quang sinh ra tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành Tâm lý học ở Liên Xô cũ. Ông nguyên là giảng viên khoa Triết - Đại học Tổng hợp Hà Nội; nguyên Phó chủ nhiệm khoa Xã hội học; nguyên Chủ nhiệm Khoa xã hội học, Ban tuyên giáo Trung ương. Hiện nay là giảng viên cao cấp tại Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong suốt cuộc đời làm nghiên cứu và giảng dạy của mình, PGS.TS Vũ Hào Quang đã xuất bản hơn 50 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, viết hơn 10 cuốn sách (giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo); chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, phụ trách nhánh nghiên cứu dự án quốc tế “Xây dựng năng lực nghiên cứu du lịch tại cộng đồng” năm 2003-2005 với sự tham gia của 5 trường đại học.

Mới đây, PGS.TS Vũ Hào Quang xuất bản cuốn sách “Xã hội học gia đình – Những nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm”. Đây là cuốn sách chuyên khảo về xã hội học gia đình có nhiều nội dung ông đã từng làm Luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Matxcơva (Lô-mô-nô-xốp) năm 1993. Từ đó tới nay, ông liên tục nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, rút ra nhiều kết luận dựa trên các cơ sở lý luận và bằng chứng các nhà xã hội học đưa ra vào gia đình để kiểm chứng trong thực tiễn. PGS.TS Vũ Hào Quang tự hào khi nói về cuốn sách tâm huyết của ông “Cuốn sách chuyên khảo này dành cho những nhà nghiên cứu xã hội học về gia đình, quan tâm về vấn đề lý thuyết và thực nghiệm trong nghiên cứu về gia đình. Các giảng viên đại học, học cao học, làm nghiên cứu sinh, sinh viên... đều có thể học và nghiên cứu. Đây là tài liệu quan trọng. Tôi dành cả cuộc đời nghiên cứu nhiều năm. Tôi giới thiệu những tác giả nổi tiếng nhất về xã hội học trên thế giới. Phần thực nghiệm tôi nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước, chắt lọc những thông tin quan trọng nhất, tập hợp trong cuốn sách này. Tôi nghĩ rằng những nhà nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục về gia đình có thể tham khảo làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy tốt”.

Ở độ tuổi gần 70 rất nhiều người lựa chọn một cuộc sống an nhàn, nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu hoặc đi du lịch giải trí, tuy nhiên PGS.TS Vũ Hào Quang lại lựa chọn cho mình công việc tiếp tục nghiên cứu, cống hiến cho khoa học. Có thể nói nghiên cứu, cống hiến cho khoa học vừa là cống hiến cho đời cũng là nguồn vui sống ở tuổi già của PGS.TS Vũ Hào Quang, ông chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi người có đam mê mới tồn tại được. Nghiên cứu khoa học và công bố những cuốn sách là đam mê, lớn hơn niềm vui. Tôi ấp ủ suốt đời từ khi rời quân ngũ, tôi muốn đóng góp nhỏ bé cho khoa học lĩnh vực xã hội và tâm lý học mà tôi nghiên cứu. Việc công bố cuốn sách và 5-6 giáo trình tôi mới xuất bản vừa đây tiền bạc không đáng là bao nhưng đó là niềm đam mê, là động cơ giúp tôi vui vẻ làm việc, muốn làm việc tới khi nào không thể làm được nữa thì thôi”.

Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Dù vậy, với PGS.TS Vũ Hào Quang, niềm đam mê cống hiến sức lực cho khoa học chưa khi nào vơi. Ông luôn tâm niệm: “Khi tôi đọc những thông tin mới về lý luận, thực nghiệm...của các nhà khoa học, của những đồng nghiệp khác tôi suy nghĩ về những điều được lĩnh hội suốt cuộc đời. Tôi muốn bồi đắp thêm kiến thức về xã hội học để nhận diện một sự kiện, một hiện tượng sâu sắc hơn, khoa học hơn và có sức thuyết phục hơn”.

Chính bởi suy nghĩ lạc quan như vậy mà tuổi già của PGS.TS Vũ Hào Quang cũng thật nhẹ nhàng, an nhiên: “Tôi nghĩ cái đầu làm việc thì cái chân theo cái đầu, đầu không làm việc thì chân rụng rời nhanh lắm, tôi nghĩ đầu còn làm việc giúp chân tay hoạt động tốt hơn. Thế nên đọc sách, viết giáo trình cũng là một cách rèn luyện sức khỏe ở tuổi cao. Và vì thế tôi luôn hài lòng và sống hạnh phúc”.

Hạnh phúc là điều bất cứ ai đến đến hết cuộc đời cũng mong muốn có được. Với những người cao tuổi cũng vậy. PGS.TS Vũ Hào Quang đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc tuổi già khi tiếp tục làm việc và nghiên cứu khoa học. Cuộc sống cũng vì thế mà ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

Mời quý vị cùng nghe cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Hào Quang ngay dưới đây: