Tuổi cao, trí lực dần suy giảm, người cao tuổi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng nói vậy không có nghĩa họ không có nhu cầu tìm hiểu thông tin qua sách, báo, tài liệu tham khảo... Ghi nhận cho thấy, nhiều người cao tuổi vẫn mong muốn được học tập suốt đời bằng các hoạt động văn hóa đọc. Thông qua kiến thức tự học, họ có thể áp dụng, cống hiến nhiều điều hữu ích cho xã hội trong khả năng cho phép.

Ông Nguyễn Đức Hữu (71 tuổi, cán bộ phường nghỉ hưu tại Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, với người cao tuổi hiện nay, việc tiếp cận với các hoạt động văn hóa đọc là tương đối khó khăn. “Qua nhiều năm làm công tác tuyên truyền tại phường, tôi khẳng định các cụ rất yêu thích đọc sách. Nhưng do điều kiện sức khỏe không đảm bảo, đôi khi họ không thể tự đi đến các thư viện. Đơn cử như tôi, muốn đến thư viện gần nhà nhất là Thư viện Quốc gia có khi phải đi 2 tuyến xe buýt mới tới, thực sự rất vất vả. Hơn nữa, không phải thư viện nào cũng tổ chức phục vụ lưu động, hỗ trợ giao sách đến tận nhà nên việc tiếp cận với sách cũng có đôi phần khó khăn”, ông Hữu chia sẻ.

Với bà Nguyễn Thị Kim (69 tuổi ở Kim Mã, Hà Nội), việc đến thư viện đọc sách dường như là không thể bởi cơn tai biến nhiều năm trước khiến đôi chân của bà yếu đi nhiều: “Con cái thỉnh thoảng có mua sách về để tôi đọc cho đỡ buồn, nhưng các cháu cũng bận nhiều việc nên không phải lúc nào cũng đi mua được. Nghe radio, xem tivi, tôi được biết nhiều cuốn sách hay, nhất là sách về sức khỏe, khoa học nhưng không biết cách nào để mượn về. Gọi điện đến một số nơi xin mượn bằng cách vận chuyển qua đường bưu điện nhưng không phải chỗ nào cũng đồng ý vì họ sợ bị mất sách. Hay vì thiếu người, họ cũng không thể bố trí nhân sự để gửi sách đến nhà cho tôi, nên đành ngậm ngùi nhịn... không đọc nữa”.

Có thể thấy trong thời gian qua, người cao tuổi đang tham gia tích cực vào các hoạt động đọc cũng như lan tỏa điều này ra toàn cộng đồng. Ở các thư viện cơ sở, có hai đối tượng chính thường xuyên đến đọc sách là học sinh và người cao tuổi. Nhưng thực tế, có trường hợp xảy ra là dù rất muốn được tham gia các hoạt động thư viện, văn hóa đọc nhưng vì điều kiện sức khỏe không cho phép, các cụ không thể tự mình tìm đến các thư viện mà phụ thuộc hoàn toàn vào việc phục vụ lưu động. Điều này đòi hỏi các thư viện phải đổi mới, tăng cường phục vụ theo hướng sách đi tìm người.

Hiện nay, các thư viện trên cả nước đều có những hoạt động khuyến đọc, phục vụ tận nhà cho người cao tuổi. Bản thân Luật Thư viện cũng đã có các điều, khoản quy định hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho đối tượng này. Chẳng hạn, Điều 44 về quyền của người sử dụng thư viện đặc thù nêu rõ “Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện”. Nhưng mọi sự khuyến khích, quy định ở đây đều phải gắn với điều kiện hoạt động thực tế của các thư viện.

“Được khuyến khích nên cũng đã có nhiều thư viện trên cả nước có hoạt động nhân văn như thư viện của cụ Đào Quang Huy, một nhà giáo nghỉ hưu ở Bắc Giang. Với mong muốn mọi người biết quý trọng và ham đọc sách, cụ Huy đã dành tâm huyết cả đời để sưu tầm sách và thành lập thư viện. Đặc biệt, ngoài tự mình làm thủ thư, cụ kiêm luôn việc mang sách đến tận nhà khi người gọi mượn. Có thể nói, nhiều địa phương đã có sự ưu tiên phục vụ tại nhà cho người cao tuổi nhưng không phải tất cả. Vì điều kiện không cho phép, không có cộng tác viên thì họ cũng không thể làm được điều này.

Hệ thống thư viện công cộng các cấp đã tăng cường và nâng cao chất lượng công tác phục vụ người cao tuổi. Theo đó, các thư viện tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các cụ tiếp cận, sử dụng và khai thác tài nguyên thông tin thư viện, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí. Tùy vào điều kiện thực tế, các thư viện triển khai bổ sung, tổ chức tài nguyên thông tin, xây dựng các bộ sưu tập, sản phẩm chuyên đề hướng đến người cao tuổi; tổ chức luân chuyển tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện, tăng cường phục vụ lưu động tới các trại dưỡng lão, viện dưỡng lão hoặc nơi có nhiều người cao tuổi sinh sống.

(Theo baovanhoa.vn)