Tuổi già thường gắn với bệnh tật trong khi thu nhập có phần hạn chế nên nhiều người khi hết tuổi lao động không tránh khỏi nỗi lo về chi phí thuốc thang, chữa trị. Nhưng giờ đây, với sự ưu việt của chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), người cao tuổi hoàn toàn có thể sống an yên dẫu chẳng may đau yếu. Ông Đỗ Minh Hưng, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là một trong số đó. Ông cho biết làm nghề nông, công việc vất vả nên từ khi đến tuổi “lên lão”, ông cảm nhận rất rõ sự suy giảm về sức khỏe. Đó cũng là lúc ông bắt đầu lo lắng về chi phí thuốc thang, chữa trị nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Bởi lẽ, kinh tế gia đình nhiều năm chỉ ở mức “đủ ăn, đủ tiêu”. Nhưng nỗi lo ấy đã được hóa giải khi ông nghe truyền thông và hiểu về lợi ích của việc tham gia BHYT. “Tôi thấy việc tham gia BHYT là rất thiết thực nên ban đầu tôi đã tự mua. Sau đó, tôi và nhiều người sống ở khu bãi ngang được Nhà nước cấp miễn phí”, ông Hưng cho biết.

Ông Hưng chia sẻ từ khi tham gia BHYT, ông đã vài lần phải vào viện khám và điều trị. Nhờ có tấm thẻ BHYT nên ông không còn lo lắng mỗi khi làm thủ tục ra viện như trước đó, bởi số tiền phải thanh toán thường không lớn so với chi phí đáng ra phải trả. Đặc biệt, khi chứng kiến một số trường hợp, kinh tế eo hẹp nhưng vẫn phải gồng mình thanh toán số tiền lớn cho việc điều trị vì không được BHYT hỗ chi trả, ông càng thấy rõ lợi ích của chính sách này. “Ở địa phương, một số người trẻ không quan tâm và không mua BHYT. Khi có nhu cầu đến bệnh viện chữa trị, họ phải chịu nhiều khoản chi phí, tốn kém. Với những gia đình không có thu nhập ổn định, đó thực sự là áp lực,” ông Hưng cho biết.

Kinh tế gia đình ông Cấn Hồng Hưởng, ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội cũng chỉ ở mức trung bình. Còn bản thân ông bị bệnh cao huyết áp, phải theo dõi, khám định kỳ và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Ông cho biết, trong thời buổi “bão giá”, phải “khéo chi” thì tiền lương hưu mới đủ trang trải. Vì thế, nếu không có BHYT hỗ trợ chi trả, ông sẽ phải cậy nhờ con cháu mỗi lần đi khám, lấy thuốc. Điều này giúp ông không bị cảm giác phụ thuộc các con. Bên cạnh đó, với tấm thẻ Bảo hiểm y tế, ông vẫn được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh như bao người bệnh khác. “Khi tôi về hưu thì bị bệnh về huyết áp, hàng tháng phải khám và lấy thuốc một lần. Là cán bộ hưu nên tôi có thẻ bảo hiểm. Lần nào đi khám, tôi cũng được nhân viên y tế hướng dẫn tận tình”, ông Hưởng chia sẻ.

Nhận thấy lợi ích của việc tham gia BHYT là rất lớn, ông Hưởng còn trích một khoản lương hưu của mình để mua bảo hiểm cho vợ. “Trước đây - khi chưa tham gia BHYT, vợ tôi đi khám và làm các xét nghiệm hết gần 1 triệu. Trong khi đó, tôi bỏ ra khoảng 600 thì có thể khám bất cứ lúc nào trong năm. Từ đó, tôi thấy việc mua BHYT là quá lợi”, ông Hưởng chia sẻ.

Ông Hưởng tâm sự, mục đích khi mua BHYT cho vợ không phải vì muốn được chi trả khi bà đau ốm mà bởi ông hiểu bản chất của chính sách này là chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính ông từng chứng kiến nhiều người bệnh, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhờ tham gia BHYT tế nên vẫn được khám, điều trị kịp thời và chăm sóc tốt hơn. Trong khi đó, có những trường hợp vì không mua bảo hiểm y tế nên đã khánh kiệt về kinh tế vì phải tự chi trả số tiền quá lớn cho việc điều trị bệnh.

Từ những gì đã trải qua, nhiều người đến tuổi nghỉ hưu nhận thấy, từ khi tham gia bảo hiểm y tế họ đã trút được nỗi lo về khả năng tài chính để chi trả cho việc khám, chữa bệnh, cuộc sống vì thế trở nên an yên hơn. Đó là những lợi ích về mặt tinh thần không thể đo đếm được mà chính sách bảo hiểm y tế mang lại cho người tham gia.

Nghe bài viết dưới đây: