Nhiều người quan niệm, khi về già, người cao tuổi chỉ nên ở trong nhà, tập trung giữ gìn sức khỏe cũng như hỗ trợ con cái. Thậm chí, số người trẻ còn mặc định bố mẹ nghỉ hưu, ở nhà nên dồn các công việc như trông con giữ cháu, làm việc nhà… cho họ. Trong đó, có nhiều người cao tuổi có trình độ, kinh nghiệm và uy tín nhưng chỉ quanh quẩn trong nhà. Vô tình, người cao tuổi bị ít giao lưu xã hội, không có nhiều bạn bè để chia sẻ, tạo nên cảm giác cô đơn, suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tinh thần…

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, mục tiêu với người cao tuổi là sống vui, sống khỏe, sống có ích. Cho nên, nếu chỉ tập trung vào việc hỗ trợ con cái, trông nom các cháu, làm việc nhà… thì vô hình chung đã hạn chế rất nhiều quyền của người cao tuổi.

Người cao tuổi cũng cần được giao tiếp xã hội, cần được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tham gia vào các hoạt động tùy theo khả năng và điều kiện. Nếu con cái hạn chế bố mẹ nhu cầu đó thì chẳng những không chăm sóc phụng dưỡng được cha mẹ mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người cao tuổi.

Các chuyên gia khuyên, người cao tuổi nên tham gia các hoạt động xã hội nhằm tạo nên sự già hóa năng động, khỏe mạnh. Hiện nay có nhiều các hoạt động, hội nhóm phù hợp với các độ tuổi, mức độ sức khỏe, trình độ để người cao tuổi dễ dàng tham gia. Như, các tổ chức đoàn thể tại địa phương là hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, tổ dân phố, các công tác thiện nguyện, hay các câu lạc bộ về sức khỏe, dưỡng sinh, nấu ăn, đọc sách…

Khi tham gia hoạt động xã hội, người cao tuổi nhận được rất nhiều lợi ích tốt cho đời sống tinh thần cũng như sức khỏe. Họ thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn. Khi được tiếp xúc với nhiều người, họ cảm thấy thoải mái, thư giãn, chia sẻ được cuộc sống cũng như bệnh tật. Giúp người già giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi thường thấy. Đặc biệt là dễ thông cảm, sẻ chia, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.

Theo báo cáo Engage Your Brain – một báo cáo nghiên cứu về sức khỏe não bộ toàn cầu của Hội đồng Toàn cầu về Sức khỏe não bộ (Global Council on Brain Health – GCBH), việc thường xuyên kích thích não bộ bằng các hoạt động xã hội như tham gia các công tác xã hội hoặc các trò chơi đòi hỏi khả năng tư duy, đọc sách, chơi cờ,… giúp người lớn tuổi cải thiện sức khỏe não bộ và bảo vệ họ chống lại chứng sa sút trí tuệ.

Các nhà khoa học cho biết tuổi tác không phải là rào cản để cải thiện sức khỏe của não bộ, việc kích thích não hoạt động thường xuyên luôn mang lại những tác động tích cực lên não bộ ở bất cứ độ tuổi nào.

Các nhà khoa học cũng khuyên người cao tuổi nên bắt đầu "chiến dịch" cải thiện sức khỏe não bộ bằng cách đơn giản, chẳng hạn tham gia vào một câu lạc bộ đọc sách hoặc một khóa học thú vị nào đó mà khi trẻ tuổi hơn bạn không có thời gian.

Theo ghi nhận ở nước ta, hội người cao tuổi tại các địa phương đã phát huy kinh nghiệm và uy tín của mình tiếp tục đem trí tuệ, tri thức đóng góp tích cực vào các lĩnh vực đời sống xã hội, tham gia phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị tại địa phương.

Nhiều hội viên người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở khu dân cư như như chi bộ, hội người cao tuổi, ban Mặt trận, an ninh, hòa giải, liên gia tự quản... Dù ở cương vị nào, người cao tuổi đều thể hiện tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực vì công việc chung.

Người cao tuổi tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đã phát huy được vai trò "đầu tầu" gương mẫu trong các đời sống xã hội.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người cao tuổi dù là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhưng lại có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch, là một trong những lực lượng tích cực tham gia Tổ COVID cộng đồng.

Người cao tuổi đã tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức; vận động quần chúng Nhân dân nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, quy định của địa phương; quán xuyến gia đình, trông nom các cháu để con cái yên tâm công tác, phòng, chống dịch trên tuyến đầu.

Thu Hiền