Những ngày qua, bắt nguồn từ chia sẻ của 1 nữ diễn viên trên trang facebook cá nhân về việc đã bị tư vấn mập mờ sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khiến số tiền sau này cô có thể nhận về ít hơn rất nhiều so với số tiền đã đóng, thậm chí có thể mất hàng tỷ đồng nếu kết thúc hợp đồng trước hạn. Cùng với đó là thời hạn đóng phí lên đến 74 năm – khi ấy cô đã 99 tuổi. Ngay sau đó, 1 nghệ sĩ khác cũng gây chú ý khi chia sẻ bị mất trắng số tiền hơn 100 triệu đồng sau 3 năm mua bảo hiểm nhân thọ cho con trai. Từ đây, dấy lên một làn sóng dư luận về chuyện tư vấn bảo hiểm nhân thọ không đúng sự thật.
Như bao người khác, chị Ngô Thị Thúy, chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội do tin tưởng tư vấn viên nên chị ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà không hề đọc cũng như tìm hiểu những thông tin trong hợp đồng. Chỉ đến khi những lùm xùm về bảo hiểm nổ ra, chị mới kiểm tra lại hợp đồng của mình thì tá hỏa khi thấy thời hạn đáo hạn hợp đồng đến tận năm 2086, khi ấy chị đã 100 tuổi.
Với suy nghĩ vừa có một khoản tiền tiết kiệm vừa được đảm bảo chăm sóc sức khỏe, bà mẹ đơn thân Nguyễn Tâm An ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã không ngần ngại chi số tiền hơn 30 triệu đồng cho hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, một cho bản thân và một cậu con trai. Theo tư vấn viên, sau 20 năm, chị An vừa có thể rút gần như toàn bộ số tiền đã đóng mà vẫn được đảm bảo chăm sóc về sức khỏe, thế nhưng thực tế lại không phải như vậy. Cảm giác mình bị lừa khiến chị An vô cùng bất an về số tiền đã đóng cho công ty bảo hiểm mấy năm qua.
Quả thực, không ít người tìm đến bảo hiểm nhân thọ với mong muốn mua sự đảm bảo cho sức khỏe, cho cuộc sống, thế nhưng có một thực tế là mọi người chưa có cách nhìn đúng đắn về loại hình bảo hiểm này cũng như không có sự tìm hiểu nhất định về bảo hiểm nhân thọ dẫn đến nhiều khúc mắc.
Luật sư Lê Quốc Hùng, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Việt Path cho biết, bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng giữa chủ hợp đồng bảo hiểm và công ty bảo hiểm, trong đó công ty bảo hiểm cam kết sẽ trả cho người thụ hưởng (được chỉ định trước) một khoản tiền (lợi ích), khi cái chết của một người được bảo hiểm xảy ra (thường là người giữ hợp đồng bảo hiểm). Tùy thuộc vào hợp đồng, thanh toán cũng có thể được thực hiện khi có các sự kiện khác như bệnh nan y hoặc bệnh hiểm nghèo xảy ra. Chủ chính sách thường trả phí bảo hiểm định kỳ hoặc một lần. Các chi phí khác, chẳng hạn như chi phí tang lễ, cũng có thể được bao gồm trong các lợi ích người thụ hưởng.
Tuy nhiên, không ít tư vấn viên đã tư vấn cho khách hàng theo kiểu mua bảo hiểm nhân thọ là kênh đầu tư tài chính có lời. Từ đó, mới dẫn tới thực tế lời lãi không như lời tư vấn viên, khiến người ta có cái nhìn không đúng về bảo hiểm nhân thọ.
Thêm nữa, các công ty, đại lý bán bảo hiểm thường áp doanh số cho nhân viên mà chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo chuẩn, cũng khiến cho việc tư vấn mập mờ, không phản ánh đúng thực tế nên không ít người cho rằng bảo hiểm nhân thọ như một hình thức bán hàng đa cấp hoặc lừa đảo tài chính, chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Cùng với đó, khách hàng thường ký vào một mẫu hợp đồng soạn sẵn gồm nhiều điều khoản dài, với nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, hợp đồng cũng chia ra rất nhiều phần, gồm sản phẩm chính và sản phẩm phụ, các khoản phí khác nhau mà không được giải thích rõ từ đầu dẫn tới tình trạng người mua không hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là thực trạng đang diễn ra.
Bên cạnh đó, thời gian qua, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy nhiên, vì phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Chính vì vậy, tại cuộc họp thường kỳ quý 1 năm nay, Bộ Tài chính đã thông báo đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về việc phân phối bảo hiểm qua các kênh ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: “Sau hơn một tháng triển khai, Bộ tài chính tiếp nhận 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân phản ánh vấn đề bảo hiểm. Việc xử lý được Cục triển khai theo quy định chung của Nhà nước, theo đó, có cán bộ tiếp nhận và ghi nhận lại phản ánh, phân loại, xác minh và đưa đến những cơ quan liên quan để xử lý cũng như chuyển đến cơ quan Nhà nước để sửa đổi, bổ sung cũng như hoàn thiện chính sách về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Với những đơn thư tố cáo thì chúng tôi cũng hướng dẫn công dân thực hiện các bước để xử lý theo Luật”.
Những sự việc vừa qua như một hồi chuông cảnh báo đối với ngành bảo hiểm, đòi hỏi ngành bảo hiểm cần phải có một hệ thống chuẩn về dịch vụ tư vấn và bán sản phẩm. Điều cần nhất là các công ty bảo hiểm cần phải quản lý chặt chẽ và chuẩn hóa bộ phận đại lý và các tư vấn viên bằng nhiều hình thức. Các cơ quan chức năng cần phải rà soát cũng như hoàn thiện hơn nữa những quy định, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng như các công ty, đại lý bán bảo hiểm cũng như cần phải quản lý chặt chẽ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, nghiêm cấm việc tư vấn sai, tư vấn mập mờ gây hiểu nhầm giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng. Cùng với đó, mỗi người dân cũng cần nêu cao trách nhiệm trong việc tìm hiểu các điều khoản, các loại hình bảo hiểm phù hợp nhất với hoản cảnh và điều kiện kinh tế của bản thân để mua bảo hiểm nhân thọ thật sự là để có được sự yên tâm, phòng tránh rủi ro chứ không phải để gánh thêm nỗi lo.
Mời nghe âm thanh tại đây: