Chương trình nhận được thư của một thính giả nữ giấu tên với nội dung thế này: Tôi lấy chồng tháng 9 năm 2021. Sau 1 năm chung sống, do nhiều mâu thuẫn phát sinh nên chúng tôi đã chia tay và có quyết định ly hôn của tòa án. Tuy nhiên, sau khi nhận quyết định được 3 tuần, tôi phát hiện mình có thai được 2 tháng. Tôi chắc chắn đó là con của chồng cũ vì tôi chưa từng phát sinh quan hệ thân xác với bất kỳ người đàn ông nào trừ chồng cũ của tôi. Giờ tôi rất băn khoăn, không biết khi con sinh ra, tôi làm đăng ký khai sinh cho con như thế nào? Cháu sẽ mang họ mẹ hay họ bố? Nếu tôi muốn cháu được mang họ bố thì phải làm sao? Phóng viên VOV2 phỏng vấn luật sư Trần Xuân Tiền – trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội về vấn đề thính giả băn khoăn.

Phóng viên: Thưa luật sư, sau khi ly hôn, vị thính giả giấu tên mới phát hiện có thai với chồng cũ. Vậy đứa bé có được xác định là con chung của 2 người không?

Luật sư: Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Do đó, sau khi nhận quyết định được 3 tuần, người vợ phát hiện mình có thai được 2 tháng thì người con này được xác định là con chung.

Phóng viên: Vâng, sau khi nhận quyết định ly hôn 3 tuần, cái thai của thính giả nữ đã được 2 tháng, tức là đứa bé được xác định là con chung của 2 vợ chồng. Vậy khi ra đời, đứa bé sẽ mang họ bố hay họ mẹ, thưa luật sư?

Luật sư: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về nội dung đăng ký khai sinh thì “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán”. Khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Do đó, con sinh ra sẽ lấy họ theo thỏa thuận của bố mẹ, trường hợp bố mẹ không thỏa thuận được thì sẽ đặt theo tập quán ở địa phương là lấy theo họ cha hoặc họ mẹ.

Phóng viên: Trong trường hợp của thính giả, nếu cô ấy và chồng cũ thỏa thuận được việc con sinh ra sẽ mang họ bố thì khi khai sinh, cần có những giấy tờ gì, thưa luật sư? Vì khi đó đăng ký kết hôn của 2 người đã không còn hiệu lực.

Luật sư: Trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho con chung trong trường hợp này sẽ diễn ra theo quy định của Điều 16, Luật hộ tịch 2014 sẽ gồm các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ có các giấy tờ sau: Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu; Bản chính giấy chứng sinh của cơ sở y tế nới cháu bé ra đời; Văn bản ủy quyền nếu trường hợp bố mẹ không thể trực tiếp đi đăng ký; Quyết định của Tòa về việc cho hai bên chấm dứt ly hôn - đây chính là căn cứ xác nhận đứa bé có được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ khi hôn nhân chấm dứt hay không.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tại UBND xã/phường nơi thường trú của cháu bé.

Bước 3: Cán bộ hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào sổ hộ tịch, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu điện tử trình lên Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường để cấp giấy khai sinh.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư./.