Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được hiểu là nhà nước và chủ thể quyền SHTT sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng SHTT của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này.

Hiện nay quyền SHTT và bảo vệ quyền SHTT không còn là một khái niệm xa lạ với người dân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam. Quyền SHTT được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho rằng: Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế quan trọng trong đó đã ký kết các điều ước quốc tế song phương về quyền SHTT. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật trong nước về quyền SHTT cũng tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Thứ nhất, sự phát triển bùng nổ về công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong những năm gần đây đặt ra rất nhiều thách thức cho các chủ thể hưởng quyền SHTT, các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về quyền SHTT để bảo vệ thương hiệu của mình trên không gian mạng, kéo theo đó là việc xử lý những hành vi vi phạm trên không gian mạng của các cơ quan chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là việc thu thập chứng cứ để xử lý những hành vi vi phạm.

Thứ hai, các chủ thể hưởng quyền SHTT chưa thực sự tích cực, chủ động trong việc bảo vệ quyền SHTT

Thứ ba, các cơ quan thực thi pháp luật chưa được phát huy vai trò quản lý nhà nước về SHTT. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền SHTT.

Thứ tư, cơ quan quản lý xử lý chưa nghiêm túc các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Có thể kể đến một số bất cập trong việc thực hiện bảo vệ quyền SHTT như: Thời gian thực hiện thủ tục trên thực tế thường kéo dài hơn so với quy định của pháp luật; Các loại hình tác phẩm được bảo hộ trong quy định hiện hành không theo kịp thực tiễn; Quy định của pháp luật hiện hành về SHTT còn chung chung, khó áp dụng; Thực trạng vi phạm quyền SHTT ở nước ta diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp và tinh vi; Việc giải quyết, xử lý các tranh chấp liên quan đến SHTT gặp nhiều khó khăn; Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Để bảo vệ quyền SHTT tốt hơn chúng ta cần hoàn thiện các quy định cần rõ ràng, cụ thể để nhận diện, xác định các hành vi xâm phạm quyền SHTT; Chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe, đủ mạnh để xử lý và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT theo hướng đẩy mạnh biện pháp dân sự, thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp hành chính;

Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn về SHTT và năng lực thực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới;

Hoàn thiện quy định về thực thi quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số, xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc cấp, thu hồi và sử dụng tên miền;

Bên cạnh đó cũng cần phải áp dúng các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho các doanh nghiệp, cá nhân về SHTT.

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung trao đổi của luật sư Phạm Thị Thu về quyền SHTT và bảo vệ quyền SHTT tại đây: