Việc bạo hành, bóc lột trẻ em là câu chuyện mà bấy lâu nay vẫn được nhắc đến thường xuyên, nhưng nhưng vẫn còn tổn tại, nhiều vụ chưa được phanh phui và phát hiện

Bạo hành trẻ em sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý, khả năng học tập, giao tiếp xã hội và sự trưởng thành của các em sau này. Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc công ty Luật Hoàng sa cho biết, theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.” Hiến pháp năm 2013 tại Điều 37 cũng đã quy định “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Bên cạnh việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi còn phải chịu thêm chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, căn cứ vào tính chất của từng sự việc ngược đãi, hành hạ trẻ em mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với phạt với các tội khác nhau như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 hoặc tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.