Sau gần 14 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 có những điều khoản đã không còn phù hợp với tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay. Để khắc phục những hạn chế này, Quốc hội đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 trong kỳ họp vừa rồi.

Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Theo Ths.BS Võ Hải Sơn - Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách cơ bản là: Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Cụ thể:

Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. (Điểm a, khoản 1 Điều 4 của Luật HIV 2006).

Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, nhà tạm giữ, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng. (Khoản 2 Điều 11 của Luật HIV 2006).

Điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Đây là những hoạt động, dịch vụ đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của người nhiễm HIV, người nguy cơ cao, tạo điều kiện để những người trong các nhóm đồng đẳng, nhất là người có mặc cảm dễ tiếp cận với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.(Điều 20 của Luật HIV 2006).

Bổ sung biện pháp can thiệp mới là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút HIV”. Đây là biện pháp kỹ thuật mới rất có hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV (Điều 21 của Luật HIV 2006).

Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. (Điều 27 của Luật HIV 2006).

Quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ BHYT đối với người có thẻ BHYT theo yêu cầu chuyên môn (Điều 35 của Luật HIV 2006); Bổ sung đối tượng được điều trị miễn phí do không tiếp cận bảo hiểm y tế của các phạm nhân (Điều 39 của Luật HIV 2006). Các quy định này nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi về quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của mọi người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em, nhóm người yếu thế.

Quy định cụ thể hơn về nguồn lực và huy động các nguồn lực khác nhau cho phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam, thể hiện vai trò Nhà nước trong việc cam kết nguồn lực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với cộng đồng quốc tế. (Điều 43 của Luật HIV 2006).