Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Sau 15 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới đã góp phần tăng cường nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cơ quan chức năng và xã hội về bình đằng giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong quản lý Nhà nước và trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“15 năm qua, công tác bình đẳng giới đã được triển khai hiệu quả, góp phần rút gắn khoảng cách giới, nâng cao vị thế vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới bình đẳng trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội… Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, vướng mắc và bất cập từ các bộ luật quy định. Vì vậy, bộ luật quy định cần được bổ sung nhằm đảm bảo tính khả thi đồng bộ với hệ thống luật pháp trong nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới. Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ 26% nữ Đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Theo Báo cáo kết quả 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cấp Hội đã tích cực tham gia giám sát việc thực thi pháp luật và thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, trong đó chủ trì thực hiện được hơn 13.767 đợt giám sát; tham gia/phối hợp thực hiện hơn 9.150 đoàn giám sát liên ngành. Giai đoạn 2007 - 2021, thông qua giám sát, Hội đã phát hiện gần 15 nghìn vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết được hơn 11.485 vụ việc.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tập trung phản biện xã hội các dự thảo luật, dự thảo văn bản quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã được tiếp thu, góp phần làm cho hệ thống chính sách về bình đẳng giới, chính sách dành cho phụ nữ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.

Theo bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dù có nhiều tiến bộ về thu hẹp khoảng cách giới, nhưng trong một số lĩnh vực như lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản. Trong đó, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 28% nhưng phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Mất cân bằng giới khi sinh cũng là vấn đề nghiêm trọng, phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới mà đến nay chưa có giải pháp hiệu quả. Cùng với đó, trên thực tế vẫn còn những hạn chế trong giáo dục, lồng ghép giới vào các chính sách an sinh xã hội nên rất cần xác định rõ cách thức, nguồn lực để đảm bảo thực thi Luật Bình đẳng giới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã đề xuất được 956 chính sách/ nội dung/ vấn đề gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, trong đó nhiều đề xuất dã được ban hành thành chính sách, quy định, đề án, chương trình liên quan đến bình đẳng giới và phụ nữ, trẻ em như: Chính sách nghỉ thai sản 6 tháng cho lao động nữ đã được ghi nhận trong Bộ luật Lao động (sửa đổi); Giảm số năm đóng bảo hiểm của cán bộ cấp cơ sở từ 20 năm xuống 15 năm đã được đưa vào khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Đề xuất thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam – là cơ sở đào tạo Đại học, sau Đại học về ngành giới đầu tiên ở Việt Nam.

Bà Bùi Thị Nam, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp nhìn nhận: Sau 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thực hiện tốt bình đẳng giới. Tuy nhiên, đối với vấn đề sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Bình đẳng giới, cần nghiên cứu, mở rộng khái niệm giới, bình đẳng giới phù hợp với thực tiễn, bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng trong cùng một giới và bình đẳng giữa các biểu hiện giới khác nhau.

Tại Hội nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Bình đẳng giới. Ngoài 8 lĩnh vực đang được điều chỉnh theo luật hiện hành, Luật Bình đẳng giới cần mở rộng phạm vi điều chỉnh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, như: Tư pháp, môi trường, tôn giáo…, tránh tình trạng không thống nhất giữa quy định của pháp luật về bình đẳng giới với các văn bản luật chuyên ngành, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; Nghiên cứu, làm rõ định nghĩa/ khái niệm bạo lực trên cơ sở giới; Bảo đảm tính nhất quán trong quy định về yêu cầu lồng ghép giới đối với văn bản quy phạm pháp luật và chính sách theo Luật Bình đẳng giới và Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật...