Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết theo kế hoạch, trong năm 2023, nước ta sẽ đưa 110.000 -120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn 20.000 người so với kế hoạch năm 2022. Theo số liệu thống kê trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có trên 37.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 35% kế hoạch năm. Lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu tập trung tại 2 thị trường truyền thống và trọng điểm tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Trong những tháng đầu năm 2023, số lượng người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tăng đáng kể, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung vào việc phục hồi phát triển kinh tế, nhu cầu về nhân lực cao, cần tiếp nhận lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam. Cùng với đó, lao động Việt Nam đã làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này từ lâu, rất được các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp và người sử dụng lao động đánh giá tích cực về trình độ tay nghề, cần cù, chịu khó, thái độ tốt trong công việc. Lao động Việt Nam luôn được ưu tiên lựa chọn trong số lao động các quốc gia phái cử. Về phía mình, ccác doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong nước cũng đã có sự chuẩn bị sẵn về nguồn lao động, được đào tạo, sẵn sàng cung ứng lao động, đáp ứng yêu cầu của đối tác tiếp nhận. Trong quá trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nườc ngoài, các doanh nghiệp luôn có sự chung tay sát cánh của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là gì?

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Quỹ có trụ sở chính đặt tại Thành phố Hà Nội, có trang thông tin điện tử. Tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ: Fund for Overseas Employment Support, viết tắt là FES.

Địa vị pháp lý của Quỹ

1. Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

2. Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

3. Quỹ có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, hạch toán độc lập, có báo cáo tài chính riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 4, Quyết định 40/20221/QĐ-TTg

Theo đánh giá của ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước tập trung các vấn đề về hỗ trợ cho người lao động cũng như doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề ổn định thị trường lao động, để làm sao có những thị trường lao động mới, người lao động có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt và an toàn. Quỹ cũng có một phần kinh phí dành cho công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài giúp cho người lao động có nhận thức hơn và chủ động hơn trong vấn đề học nghề, học ngoại ngữ cũng như lựa chọn thị trường đi làm việc ở nước ngoài phù hợp hơn với khả năng của họ.

"Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được sử dụng vào các hoạt động giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc phát triển, ổn định thị trường. Nhờ đó, thị trường lao động ngoài nước hiện nay không chỉ tập trung ở khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc mà còn có cả các nước Đông Âu. Đối với thị trường Trung Đông, chúng ta sẽ trao đổi với các đối tác để đưa các lao động có kỹ năng nghề đi làm ở các công trình, dự án trọng điểm thì sẽ có thu nhập cao hoặc khá hơn. Hiện nay, chúng ta cũng đang tiếp tục triển khai, trao đổi, đàm phán với các nước để mở ra thị trường lao động ở Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Israel và 1 số nước phát triển khác." - ông Nguyễn Gia Liêm cho biết thêm.

Hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước được thành lập và hoạt động từ năm 2007. Sau gần 15 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước được kiện toàn hoạt động theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quy định mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước từ ngày 21/2/2022 cụ thể như sau:

- Hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng một trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài.

- Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài 40 triệu đồng/trường hợp.

- Hỗ trợ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp đối với người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng hoặc trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

- Trường hợp có tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc. Hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở: Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ thuê chỗ ở cho người lao động.

- Ngoài ra, trong trường hợp người lao động phải về nước trước hạn (theo quy định tại Quyết định 40/2021/QĐ-TTg) mà có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Quyết định 40/2021/QĐ-Ttg nêu rõ: Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy mới có hiệu lực được một năm nhưng Quyết định 40/2021/QĐ - Ttg đã có những tác động tích cực tới việc hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.

Công ty TNHH một thành viên Texgamex - VN là đơn vị trực thuộc Công Ty Cổ Phần Dệt May Sài Gòn, chuyên trách hoạt động dịch vụ đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty Texgamex - VN cho biết từ nhiều năm nay, công ty rất quan tâm vấn đề chất lượng lao động: "Vấn đề chất lượng người lao động, công ty đã quan tâm từ những ngày đầu hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc tăng số lượng, đơn vị luôn nghĩ rằng mỗi năm đều phải có những biện pháp cải tiến, thay đổi cách thức đào tạo, chất lượng đào tạo, quy trình, nội dung đào tạo, cũng như chất lượng tuyển dụng đầu vào để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam ở trên các nước. Bởi vì lao động Việt Nam phải cạnh tranh với lao động đến từ các nước khác, trong đó mới nổi nhất là lao động đến từ Indonesia. Do đó, tự thân các đơn vị phải nâng cao chất lượng lao động của mình thì mới có thể giữ được đối tác là các chủ sử dụng lao động ở nước ngoài."

Hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, Công ty Texgamex – VN luôn là địa chỉ uy tín để người lao động lựa chọn. Năm 2023, công ty đề ra kế hoạch đưa 300-400 lao động sang Nhật Bản và một số thị trường khác làm việc. Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng, công ty tuyển được 30-40 lao động đi làm việc ở nước ngoài, con số này cao hơn so với năm 2021, 2022. Cũng giống như Công ty Texgamex-VN, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cũng tuyển dụng được số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao hơn 2 năm trước.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài. Do đó ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa – chuyên gia trong lĩnh vực lao động ngoài nước cho rằng, việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là rất cần thiết: "Tôi đánh giá rất cao mức hỗ trợ này vì nó rất thiết thực, ý nghĩa, không chỉ mang tính chất động viên mà còn giống như Nhà nước bảo hộ cho công dân của mình khi đi làm việc ở nước ngoài."

Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Sơn – đại biểu Quốc hội khóa XIV khi cho rằng Quỹ này đi vào hoạt động là sự bảo đảm cho người lao động, giúp họ tin tưởng và cũng tạo điều kiện hỗ trợ, khắc phục rủi ro cho người lao động.

Mức đóng của doanh nghiệp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là 150 nghìn đồng/người lao động/hợp đồng. Như vậy nghĩa là càng đưa được nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, số tiền phải đóng của doanh nghiệp lại càng lớn. Thế nhưng ông Nguyễn Văn Lãm – Giám đốc Công ty Cổ phần May và Xuất khẩu lao động Phú Thọ cho rằng, đây là việc làm cần thiết và doanh nghiệp cũng không hề chịu thiệt: "Doanh nghiệp vẫn là người giải quyết đến cùng việc của lao động bị vướng mắc. Nếu Nhà nước hỗ trợ được ít thì doanh nghiệp phải hỗ trợ nhiều để đỡ khúc mắc giữa doanh nghiệp và người lao động bị rủi ro. Vì vậy, Quyết định 40/2021 tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp vì khi gặp rủi ro thì cũng được hỗ trợ."

Kể từ tháng 2/2022, khi Quyết định 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực, ngoài việc hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro trong quá trình làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước còn có những khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Chẳng hạn như các doanh nghiệp tham gia các hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, tham gia khảo sát, đánh giá thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 01 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế nhưng tối đa bằng giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không có khai thác hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến quốc gia, vùng lãnh thổ công tác. Bên cạnh đó, Quỹ còn hỗ trợ 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ cho đơn vị trong hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và thông tin thị trường lao động ngoài nước. Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa - Phó Giám đốc Công ty Texgamex-VN cho rằng đây là điểm ưu việt của Quyết định 40/2021/QĐ-TTg, đây là sự hỗ trợ rất cần thiết cho doanh nghiệp, cho thấy Chính phủ đang có sự đồng hành rất lớn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước mới có hiệu lực 1 năm nhưng đã mang lại những tác động tích cực với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động ngoài nước đều mong rằng, trong thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa để đồng hành cùng doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.