Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an mới đây đã bắt giữ Đào Xuân Thắng (31 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) cùng 6 nghi phạm để điều tra về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Tùy hình thức góp theo ngày hay mỗi nửa tháng, đường dây tín dụng đen của Thắng lấy lãi 300% đến hơn 1.000%/năm. Lãi suất cao như vậy, vẫn có con nợ chấp nhận vay tiền. Ít nhất, C02 đã xác định bà T. vay 24 tỷ đồng, phải trả tổng cộng gần 40 tỉ đồng; ông P. vay 16 tỷ đồng, phải trả tổng cộng 30 tỷ đồng…C02 cũng xác định các nghi phạm đã kết nối với những người môi giới làm trong ngành ngân hàng, tài chính để giới thiệu người đang có nhu cầu vay vốn kinh doanh, đầu tư, buôn bán, đặc biệt là nhắm đến những người có nhu cầu đáo nợ ngân hàng.

Tín dụng đen – vay dễ, khó trả

“ Cái chết được báo trước”, chính là một cụm từ được nhiều người sử dụng để nói về vấn nạn “tín dụng đen”. Từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy những dòng quảng cáo "vay không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh thư hoặc đăng ký xe".

Nghe thì tưởng dễ, nhưng khi đã sa chân thì lại "ngậm trái đắng", lãi mẹ đẻ lãi con. Khi không có khả năng chi trả thì bị các đối tượng cho vay nặng lãi truy đuổi, khủng bố đòi nợ, xiết nợ. Nhiều người phải bán ruộng, vườn, nhà cửa, không ít gia đình đã tan đàn, xẻ nghé, thậm chí có những người đã phải trả giá bằng cả mạng sống.

Trong vai một người cần được “ hỗ trợ tài chính” gọi điện đến một số điện thoại được rao trên mạng, phóng viên chương trình nhận được lời mời giới thiệu như sau:

"Thủ tục vay tiền rất đơn đơn giản, chỉ cần sổ hộ khẩu gốc, chứng minh thư gốc trùng với nơi đang ở là được. Lãi thì mình không nói chuyện qua điện thoai được, nếu thiện chí vay thì cầm giấy tờ qua cửa hàng nói chuyện. Nếu mà chính chủ của bộ giấy tờ đó vay thì lãi là khoảng 2000 đồng/ triệu, tính trên đầu triệu, có nghĩa 10 triệu thì là 200.000/ ngày. Cứ vậy nhân lên."

Lúc vay thì dễ dàng như vậy, nhưng đến lúc sa chân vào tín dụng đen thì lại là một vũng lầy khó thoát. Hơn 2 năm nay, gia đình chị N.T.T ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội đã phải lao đao vì chót vay lãi cắt cổ. Giờ đến kì trả lãi hàng tháng, hai vợ chồng nhìn nhau ngán ngẩm bởi cứ mỗi trăm triệu vay, anh chị phải trả lãi 6 triệu, thậm chí có chỗ phải trả tới 9 triệu. Còn gia đình anh D và chị V ở huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội thì cho biết, với 20 triệu đồng vay tín dụng đen tiêu tạm, mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi hơn 5 triệu, 10 tháng mới trả xong, khi đó cả gốc và lãi cộng lại là 50 triệu.

Vì sao tín dụng đen luôn có đất phát triển?

Các tổ chức “tín dụng đen” cho vay với lãi suất cao, càng tiếp cận được nhiều người vay thì số tiền thu lợi càng lớn. Vì vậy để tiếp cận nhiều người, số đối tượng này thường sử dụng nhiều cách để thu thập dữ liệu cá nhân người dùng để mời chào, "dụ dỗ" về thủ tục đơn giản, cho vay với số tiền cao và lãi suất ưu đãi.

Thời gian gần đây, một loại hình tín dụng đen 4.0 cũng đang nhen nhóm và có xu hướng phát triển mạnh, đó là loại hình vay tiền online qua ứng dụng trên thiết bị di động (app) như: skyvay hay “Vaytocdo”, “VD online” với lãi suất hơn 1.000%/năm đã khiến cho nhiều người sập bẫy rơi vào vòng xoáy nợ nần, bị các nhóm cho vay khủng bố tinh thần mình và cả người thân.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an nhận định: "Hoạt động cho vay tín dụng đen đang diễn biến rất phức tạp. Năm 2019, sau khi Bộ Công an tiến hành chuyên đề công tác tập trung triệt phá các đường dây hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê thì hiện nay các đối tượng lại chuyển địa bàn hoạt động trên không gian mạng. Giờ chỉ cần lên mạng google gõ từ khóa " vay tiền " thôi là hiện ra một loạt các trang web. Những hoạt động cho vay này có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng theo Bộ Luật hình sự năm 2015. Các đối tượng cho vay không có đảm bảo gì về mặt pháp lý cả, nhưng các đối tượng vẫn nắm đằng chuôi vì đượccấp quyền truy cập vào điện thoại của người vay, nếu người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn thì họ sẽ nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần người vay và cả những người thân, bạn bè của họ."

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đen cũng sẵn sàng “mua” những thông tin cá nhân, hoặc có thể gọi điện đến bất kỳ số điện thoại nào để tư vấn về khoản vay. Ngoài ra, với một nạn nhân lỡ dính vay lãi suất cao mà không có khả năng trả nợ, các đối tượng cũng sẵn sàng giới thiệu cho người vay tiếp cận các app vay khác để trả nợ nhằm lôi kéo người vay vào nhiều khoản vay khác nhau. Thực tế là đã có người nợ đến vài chục app “tín dụng đen”, phải rất chật vật để có thể thoát khỏi vòng vây của các app này.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho rằng nguyên nhân nhân tín dụng đen vẫn nở rộ mặc dù luôn bị nghiêm cấm là vì nhu cầu vay vốn của người dân rất cao, trong khi để có thể tiếp cận được các nguồn tín dụng chính thống của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác thì lại khó khăn hơn.

Khi tín dụng đen vẫn còn đất sống, thì vẫn còn nhiều người sập bẫy, thậm chí là biết khổ vẫn lao vào. Để người dân không còn lao đao, hay đi đến bước đường phải tìm cái chết thì nhà nước cần xử lý thật nghiêm các đối tượng tổ chức hoạt động tín dụng đen “núp bóng” sử dụng công nghệ để cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách khuyến khích phát triển tài chính vi mô để thu hẹp tín dụng đen. Và trên hết, mỗi người dân hãy tự bảo vệ mình, không vay vốn của tổ chức tín dụng đen, có như vậy loại hình này mới bị triệt tiêu.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám độc công ty Luật Hoàng Sa cho biết, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất vay như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Lãi suất suất cao nhất mà pháp luật quy định trên tháng là: 5 lần x 1,666% = 8,33% (mức lãi suất bạn áp dụng cho vay là 4%/tháng). Khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 5 lần trở lên thì cấu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự.

Theo quy định Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.'