Thời điểm này, tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên do ảnh hưởng trước đó của dịch Covid – 19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn tạm ngừng hoạt động, dẫn đến tình trạng người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, vì vậy nợ BHXH vẫn là vấn đề nhức nhối của một số địa phương. Năm 2020 – năm đầu tiên bị ảnh hưởng do dịch Covid – 19, số tiền chậm đóng là hơn 14.100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,5%; năm 2021, số tiền chậm đóng là hơn 15.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,7%. Tính đến hết tháng 6/2022, số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 20.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 5,1% so với số phải thu. Từ việc nợ BHXH đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Chị Nguyễn Thị Thắm hiện đang làm việc tại một công ty tư nhân đóng tại thành phố Hà Nội đã điêu đứng khi doanh nghiệp nợ BHXH. “Bảo hiểm y tế hết hạn đã 2 tháng, đi khám bệnh lại phải bỏ tiền vì doanh nghiệp chưa nộp bảo hiểm. Báo cho công ty vẫn không có thẻ nên thấy rất bức xúc. Lương hàng tháng trừ vẫn bị trừ tiền bảo hiểm”. Chị Nguyễn Thị Oanh - công nhân của một doanh nghiệp đóng tại tỉnh Hà Nam cũng phải vay mượn họ hàng, làng xóm vài chục triệu để đi chữa bệnh. “mang tiếng là làm công nhân có bảo hiểm đàng hoàng mà bị tai nạn nằm viện 28 ngày trời, nộp các giấy tờ hết cả để thanh toán tiền viện mà không được thanh toán vì công ty nợ BHXH”.

Luật sư Trần Xuân Tiền – Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về Tội trốn đống BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là một trong những tội danh mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vấn đề này được quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), mức phạt tiền cao nhất đối với tội trốn đóng BHXH có thể lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, doanh nghiệp còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Đối với trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHTN: Sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy đóng BHXH được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.