Cả nước đã tiêm được 99 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Cập nhật đến 13h ngày 15/11, cả nước đã tiêm được 99 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 14/11 tiêm được 820. 782 liều (ngày 13/11 tiêm 1.096.895 liều) – thấp hơn ngày 13/11 khoảng hơn 170.000 liều.

Các địa phương đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 là khoảng 87% và đủ liều là 47% dân số từ 18 tuổi trở lên.

16/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang.

17/63 tỉnh (thêm một tỉnh so với ngày 12/11) có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Nam, Bình Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bạc Liêu.

24/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine cho 80-95% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.

14/63 tỉnh (tăng 2 tỉnh so với ngày 12/11) có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine cho từ 70-80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Bến Tre, Đồng Tháp.

9/63 tỉnh còn lại (giảm 2 tỉnh) có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Sơn La (45,5%), Thanh Hóa (50,6%), Nam Định (58,2%), Nghệ An (60,0%) và Cao Bằng (63,2%).

Đồng Nai dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19

Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tính đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 của Đồng Nai đã đạt 109,9%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 87,8%. Với kết quả này, Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Địa phương có tỷ lệ tiêm sau Đồng Nai là TP.HCM với 109% tỷ lệ tiêm mũi 1 và 82,2% tỷ lệ tiêm mũi 2.

Về công tác tiêm vaccine cho trẻ em, có 112.559 trẻ từ 15 đến 17 tuổi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, đạt tỷ lệ 38,4% trẻ em từ 12-dưới 18 tuổi trong toàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, các địa phương trong tỉnh vẫn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, hướng đến mục tiêu 100% người từ 12 tuổi trở lên trong tỉnh được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Việc thành lập các trạm y tế lưu động cũng được các địa phương gấp rút triển khai trong những ngày vừa qua. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 192 trạm y tế lưu động tại 11/11 huyện, thành phố.

Cụ thể, có 171 trạm y tế lưu động tại các địa phương, 21 trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp.

Trong ngày 14/ 11, toàn tỉnh ghi nhận 559 ca mắc COVID-19 mới, 405 trường hợp khỏi bệnh, 1 ca tử vong. Hiện, có 13,2 ngàn bệnh nhân COVID-19 đang được cách ly, theo dõi điều trị tại nhà và các khu cách ly tập trung, bệnh viện. Trong đó, 35 ca nguy kịch, hơn 2,6 ngàn ca có triệu chứng trung bình và hơn 10,3 ngàn ca không có triệu chứng.

Cộng dồn trong 7 ngày qua, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5,4 ngàn ca mắc COVID-19 mới, trung bình 782 ca/ngày, giảm 18,2% so với 7 ngày trước đó. Trong đó, ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng tăng, trong khu phong tỏa giảm.

Trước thực trạng nhiều người dân phản ánh thông tin tiêm chủng vẫn còn thiếu, không có hoặc sai, Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông thống nhất bổ sung chức năng "đề xuất sửa thông tin tiêm chủng", cho phép người dân tự cập nhật thông tin tiêm chủng trên các ứng dụng PC-Covid và Sổ sức khỏe điện tử.

Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Quốc gia xác nhận "đội ngũ phát triển đang hoàn thiện và sẽ đưa tính năng này lên phiên bản cập nhật tiếp theo".

Như vậy, sau khi cập nhật phiên bản tiếp theo, người dùng có thể tự khai trong mục "đề xuất sửa thông tin tiêm chủng", sau đó thông tin sẽ được hiển thị trên ứng dụng và đồng thời được gửi về nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để thực hiện công tác xác minh, chuẩn hóa thông tin.

Với việc bổ sung "đề xuất sửa thông tin tiêm chủng", tính năng này hứa hẹn là công cụ đắc lực, giúp các cơ quan chức năng khắc phục tình trạng sai sót, thiếu dữ liệu tiêm chủng.