Sài Gòn những ngày này vắng vẻ, tĩnh lặng. Ở Trung tâm cấp cứu 115 cũng vậy. Mọi công việc diễn ra lặng lẽ, chỉ có tiếng chuông điện thoại là hối hả không ngừng...

- Alo, cấp cứu 115 xin nghe.

- Chị cho xe đến nhanh nhanh giùm em nghe chị…

- Làm ơn cứu người…

Sau cuộc gọi cầu cứu của người nhà F0, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương vội vã lên xe cứu thương đi ngay. Bệnh nhân chừng 50 tuổi, thể trạng béo phì, đang trong tình trạng nguy kịch, đã rơi vào trang thái mê man. Kiểm tra sinh hiệu của bệnh nhân, nhận thấy nồng độ oxi máu đã xuống dưới 50, huyết áp xuống thấp, bác sĩ Hương nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxi, truyền dịch. Khi người bệnh tạm ổn định các chức năng sống, bác sĩ Hương cùng tài xế và người nhà chật vật khiêng bệnh nhân qua một chiếc cầu thang chật hẹp để xuống xe cứu thương, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện an toàn.

Gần 3 tháng qua, mỗi ngày làm việc của bác sĩ Hương và các đồng nghiệp ở Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh là những chuyến đi liên miên từ sáng sớm đến đêm khuya như thế. Một ca trực 24 giờ nhưng nhiều khi kéo dài 27 đến 30 giờ. Mỗi ngày, chỉ ngủ được khoảng 3 giờ đồng hồ, những bữa ăn thất thường, không kịp ăn sáng hoặc 12h đêm mới ăn tối là chuyện bình thường.

Có hôm vừa đưa một bệnh nhân đến bệnh viện, bác sĩ Hương cùng tài xế vội quay xe đi đón một ca bệnh khác cũng đang mất mé bên lằn ranh sinh tử. Có trường hợp, bệnh nhân ở ven thành phố, muốn vào nhà phải đi men theo con đường đất nhỏ và băng qua con mương bằng cây cầu khỉ, xe cứu thương không thể vào. Bệnh nhân ở một mình, bác sĩ Hương phải nhờ hàng xóm cùng làm cáng võng rồi khiêng bệnh nhân ra xe.

“Mỗi ca cấp cứu như thế kéo dài vài ba tiếng trong điều kiện mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi ra như tắm mà nước không được uống, đi xong ca nào là kiệt sức ca đó. Em từ 45 kg giờ chắc còn 42 kg. Cũng may mà trước đây em vẫn thường xuyên luyện tập thể thao nên dai sức” – BS Hương cười và chia sẻ.

Cố gắng hết sức để đến địa chỉ cần cấp cứu một cách nhanh nhất nhưng cũng có khi các bác sĩ đến nơi thì người bệnh đã ra đi do bệnh trở nặng quá nhanh.“Bệnh này diễn biến quá nhanh, quá bất ngờ, sáng bệnh nhân mới than khó thở, chiều người nhà gọi cấp cứu, khi chúng tôi đến nơi thì bệnh nhân đã ngưng thở một tiếng rồi. Người ta buồn, mình cũng buồn. Người nhà khóc lóc, năn nỉ bác sĩ cứu mẹ em, em chỉ còn một mình mẹ thôi nghe xé lòng lắm. Lúc đó, biết là việc hồi sức không có hiệu quả nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm để người nhà có thời gian chấp nhận sự việc” – Bác sĩ Hương nghẹn ngào kể lại.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, Trung tâm nhận khoảng 120 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày nhưng từ khi dịch Covid -19 bùng phát, trung bình mỗi ngày nhận khoảng 6.000 cuộc gọi, có thời điểm lên đến 10.000 cuộc.

Hàng trăm cán bộ nhân viên của Trung tâm cùng nhiều tình nguyện viên đã làm việc với công suất gấp đôi gấp ba và những áp lực vô cùng lớn. “Nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân gọi điện đến hối thúc, cầu cứu, khóc lóc, các tổng đài viên phải trấn an, động viên họ. Phải nói rõ trong vòng bao lâu nữa bác sĩ sẽ đến để họ bình tĩnh chờ đợi. Nhiều trường hợp đau lòng cũng khiến các em bị stress, căng thẳng, nhất là các em tình nguyện viên mới tham gia.” – BS Long chia sẻ.

Phải tranh thủ từng phút từng giây để níu giữ sự sống cho người bệnh, nhưng trong điều kiện thành phố phong tỏa, tất cả các bệnh viện đều quá tải nên việc tiếp cận và vận chuyển bệnh nhân của các bác sĩ cấp cứu ngoại viện vô cùng gian nan. Nhiều khu dân cư lập rào chắn, ban ngày còn có người canh chốt hỗ trợ bác sĩ, ban đêm không có ai nên nhiều khi bác sĩ phải leo rào để vào cứu bệnh nhân.

Cũng có lúc đến bệnh viện nhưng không còn nguồn oxi, các bác sĩ lại cố gắng đưa bệnh nhân sang bệnh viện khác. Nếu như trước kia 1 ca cấp cứu ngoại viện chỉ mất chừng 1 giờ đồng hồ nhưng bây giờ một chuyến đi phải kéo dài 4-5 tiếng.

Khi được hỏi có mệt mỏi, có lo lắng bị nhiễm bệnh hay không, câu trả lời của bác sĩ Long, bác sĩ Hương là có. Nhưng dẫu vậy các bác sĩ đã xác định sẵn sàng làm tấm lá chắn giữ cho người bệnh ở phía an toàn, góp phần bảo vệ thành phố đứng vững trước làn sóng tấn công của đại dịch.