Áp lực của những bệnh viện tầng 2 điều trị Covid-19 đã giảm

Bệnh nhân L.T.H ở Phường 16, Quận 8, TPHCM mới chuyển vào Bệnh viện Quận 8 trong tình trạng suy hô hấp, Sp02 giảm còn 80 trên nền bệnh tim mạch, huyết áp cao. Con gái bà H. cho biết, trước đó bà điều trị tại nhà, 2 ngày nay bệnh trở nặng phải qua đây. “Sợ ở nhà bà chịu không nổi, mỗi lần đi vệ sinh là muốn té”.

Ở phòng bên cạnh, H.T.P ngụ tại Phường 13, Quận 8 cũng đang chăm bà 91 tuổi. Tại đây, P. thay tã, lau người, cho bà uống thuốc. Bản thân em cũng là bệnh nhân F0 khỏi bệnh. "Bà vào cũng hơn 10 ngày rồi, cũng đỡ hơn, ăn cháo được nhưng vẫn cứ đau người. Chăm bà hơi cực xíu vì bà bị lẫn nhiều”.

Theo các bác sĩ tại BV quận 8, những bệnh nhân có người nhà chăm sóc đã có sự cải thiện tốt hơn.

Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 hầu như không còn trống chỗ. Hiện Bệnh viện Quận 8 có 70 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 35 bệnh nhân nặng, còn lại là nhẹ. Tuy nhiên đó đã là một thành công.

Theo BS. Mai Khánh Phong, Trưởng khoa hồi sức tích cực Covid Bệnh viện Quận 8 từ khi chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 số ca tử vong và bệnh nặng đã giảm đi nhiều. Cách đây nửa tháng, số lượng bệnh nhân xấp xỉ 100 ca, trung bình có đến 4-5 ca tử vong/ngày.

Nhớ lại thời gian đó, BS. Phong cho biết, dù có phác đồ điều trị, thuốc men, trang thiết bị oxy, mask cho bệnh nhân thở nhưng những ngày đầu bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. “Oxy bệnh viện chỉ dự trù được phân cấp 10-15 ca bệnh cả nặng và nhẹ nhưng những ngày đầu tiên ca bệnh dồn dập 80-90 ca”.

Chỉ tay về hướng về sân bệnh viện, BS Phong nói “lúc trước bệnh nhân nằm tràn ra ngoài sân phải che bạt cho họ nằm”.

Tại Bệnh viện phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Quận 8, BS. Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn phụ trách Khoa điều trị Covid-19 cho biết, đầu tháng 8 là khoảng thời gian áp lực nhất. Theo kế hoạch của Sở y tế, ban đầu bệnh viện chỉ có 50 giường, sau đó lượng bệnh nhân nhiều, phải tăng lên 150 giường, trong đó có 30 giường hồi sức. Khoảng đầu tháng 8 khi bệnh nhân quá tải, thường xuyên có khoảng 250-300 bệnh nhân, nhưng hiện tại chỉ còn 143 bệnh nhân.

Là bệnh viện tầng 2 điều trị bệnh nhân Covid-19, “có thời điểm chúng tôi kê ghế bố cho bệnh nhân nằm ngoài hành lang, thậm chí đưa ra hành lang vẫn không đủ. Bệnh viện như trại tị nạn”.

Thời điểm đó, nhân viên y tế tại bệnh viện hầu như không ra trực, suốt ngày đêm không có thứ 7, Chủ nhật. “Lúc đó, nhân viên y tế chúng tôi được phân chia làm việc tại các khu cách ly ở ĐHQG, ĐH Sài Gòn, theo lực lượng tiêm vaccine nên thiếu trầm trọng, bệnh nhân quá tải”.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có người chỉ nghe nói về việc tạo oxy, cứ mệt là cứ lấy bình oxy tự tạo hít thở khi chuyển nặng được đưa vào viện độ bão hòa oxy chỉ còn 60-70%, đặt nội khí quản một lúc là bệnh nhân tử vong.

Ám ảnh những ca tử vong từ bệnh viện tầng 2

Công tác tại khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện quận 8, chỉ quen với việc mổ xẻ nhưng khi làn sóng dịch Covid-19 ập đến, ngày 8-7 Bệnh viện Quận 8 chuyển đổi công năng, BS. Châu Văn Nghĩa cũng trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nhớ lại thời gian bệnh viện quá tải, anh không giấu nổi cảm xúc của mình.

Có những bệnh nhân trở nặng, chúng tôi thực sự không biết liên hệ thế nào, có bệnh nhân hỏi: Bác sĩ ơi, tại sao bệnh mẹ em nặng như vậy không chuyển lên tuyến trên, giữ ở đây làm gì? Lúc đó chúng tôi phải trả lời thật lòng, chúng tôi ráng liên hệ bệnh viện tuyến trên rồi nhưng 115, Chợ Rẫy, Nhiệt đới, Nguyễn Tri Phương…đều quá tải, thành ra phải nhìn một số bệnh nhân yếu dần, yếu dần”.

Từ khi điều trị bệnh nhân Covid-19, mỗi ngày đều phải chứng kiến bệnh nhân tử vong. Một ngày, có đến 3- 5 ca. Nhìn bệnh nhân lịm dần, đôi khi tôi tự hỏi “Ủa mình đang gì vậy, mình nên làm gì tiếp theo? Mình nên tiếp tục như vậy hay không? Nhưng trong hoàn cảnh bi quan vậy cũng ráng động viên cố gắng hơn nữa chứ không thể buông xuôi được.

BS. Nghĩa kể, ngày 13/8, ca trực buổi sáng cứ cách 1 tiếng có một bệnh nhân qua đời, người mất từ ngoài đưa vào, người mất trong viện cũng có, một buổi sáng có 7 người chết. Có 2 ca mình thấy bệnh nhân chết từ từ trước mắt.

"Có trường hợp 2 vợ chồng cùng mắc Covid-19 chuyển vào bệnh viện, lúc đầu ông chồng bệnh nặng, bà vợ không có biểu hiện gì nhưng sau đó bà vợ trở nặng và qua đời thì ông chồng nằm kế lựa lúc điều dưỡng, bác sĩ không ở bên tự rút dây ra luôn để đi theo vợ. Hai vợ chồng đó giờ tên họ tôi vẫn còn nhớ. Tôi cũng nhớ từng người mất trong ngày 13/8 và lý do họ tử vong là gì. Nói thật, nếu là người làm công ăn lương thì tôi nghỉ việc lâu rồi".

Có những tình huống khó khăn, ví dụ chỉ định HFNC chúng tôi phải lựa chọn người nào, những người không được chọn phải chết. “Nhiều bệnh nhân phải dùng HFNC mà chúng tôi chỉ có 5-7 -10 máy mà có tới 15 bệnh nhân có chỉ định”, BS Đinh Quang Thanh nghẹn lại, ông không phải là người dễ xúc động nhưng từ khi điều trị bệnh nhân Covid-19, đã nhiều lần ông rơi nước mắt.

Hiệu quả của việc thông tuyến

Theo BS. Châu Văn Nghĩa, trước đây một tua trực nhận 7-8 ca bệnh là bình thường nhưng giờ số lượng bệnh nhân đã giảm hẳn. Một tua trực giờ đây nhận 3-4 ca bệnh. "Bây giờ, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quận 8 ổn hơn gấp 5-6 lần so với trước”, BS. Nghĩa đánh giá. Sự can thiệp sớm của bệnh viện tầng trên cũng giúp giảm thiểu số ca chuyển nặng và tử vong.

Nhờ bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ vấn đề kỹ thuật, hướng dẫn đào tạo. Trường hợp bệnh nhân nặng hơn sẽ hội chuẩn với các đồng nghiệp ở Bệnh viện dã chiến số 16 Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ, trường hợp tiên lượng nặng sẽ để chuyển viện sớm. Dù số lượng bệnh giảm 30% nhưng cảm nhận áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế đã giảm 50-60%”, BS Mai Khánh Phong - Trưởng khoa hồi sức tích cực covid Bệnh viện Quận 8 khẳng định.

BS. Đinh Quang Thanh cho rằng việc giảm số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 đến từ việc thông tuyến. Khi tầng 2 quá tải thì giải quyết ở tầng 1 và tầng 3. Tầng 1 có chương trình điều trị F0 tại nhà và các trạm y tế lưu động để giảm tải lượng bệnh nhân đổ vào bệnh viện tầng 2.

Khi bệnh viện tầng 2 thông thoáng, những bệnh nhân có nhu cầu chuyển tầng 3 được tiếp nhận, hệ thống y tế hoạt động đều, tỉ lệ tử vong giảm, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 đã giảm rõ rệt ở hầu hết các bệnh viện điều trị Covid-19 tầng 2./.