“Buổi sáng em học online theo thời khoá biểu của trường từ 7h30 đến 12h kém 10. Các buổi chiều hầu như học thêm cũng học online kín lịch. Buổi tối sau khi làm bài tập xong, thời gian này chưa bận học lắm nên em thường chơi game tầm 2 tiếng. Sau đó lướt face, tictok đến 1h sáng em mới đi ngủ”. Đó là lịch sinh hoạt của Minh Tuấn, một học sinh lớp 10 ở Thanh Xuân, Hà Nội trong những ngày học trực tuyến ở nhà do dịch Covid-19. Tính sơ qua cũng có thể thấy, thời gian em nhìn vào máy tính, điện thoại phải đến gần 10 tiếng mỗi ngày.
Còn với Hải Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, HN con số này còn nhiều hơn thế: “Trước mắt là kỳ thi vào đại học ngày càng cạnh tranh khốc liệt nên ngay từ bây giờ chúng em đã phải tăng tốc học rồi. Ngoài học ở trường ra chúng em còn phải ôn thi nhiều nơi, có khi như môn Toán phải học 2 nơi. Rồi học để luyện thi Ielts, Tất cả qua máy tính hết”.

Bác Thúy Mai ở Hai Bà Trưng, HN có 2 cháu đều đang độ tuổi đi học. “Học online tôi thấy các cháu dán mắt vào máy tính, điện thoại suốt ngày. Ngoài giờ học chính ra còn học thêm, rồi rảnh cái là lại xem phim, youtube, tik tok, chơi game nên tôi thấy rất lo ngại cho đôi mắt của các cháu. Đứa chưa cận sẽ bị cận. Còn đứa cận rồi sẽ cận nặng hơn.” Bác Mai xót xa khi chứng kiến 2 cháu sử dụng điện thoại quá nhiều.

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua sắm máy vi tính, laptop hay máy tính bảng để cho con học trực tuyến. Hiện nay, không ít cháu nhỏ phải học bằng điện thoại với màn hình nhỏ, nguy cơ ảnh hưởng đến mắt cũng cao hơn nếu tiếp xúc quá nhiều giờ.
Hơn nữa, tư thế ngồi học cũng là một vấn đề không hề nhỏ. Theo chị Nguyễn Hải Yến, cựu SV Trường ĐH Sư phạm HN, là người thường xuyên tiếp xúc với các em học sinh khi làm gia sư, chị thấy rất nhiều trẻ ngồi học sai tư thế. “Tư thế ngồi học đúng rất là quan trọng. Các em cận thị rất là nhiều có lẽ tác động bởi việc ngồi học sai tư thế. Em cảm thấy là việc rèn luyện tư thế ngồi học cho các bé rất là khó khăn, bản thân bố mẹ các em bây giờ cuộc sống một phần rất là bận rộn nên lơ là việc nhắc nhở con cái”, chị Hải Yến chia sẻ.

Việc sử dụng trang thiết bị điện tử điện thoại thông minh, máy tính bảng, vi tính… liên tục kéo dài khiến cho đôi mắt trẻ trở nên yếu hơn, ảnh hưởng thị lực. Thạc sỹ BS Phạm Thị Hằng - Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Quốc Tế DND đưa ra một vài lời khuyên giúp bảo vệ mắt cho trẻ khi học online

Lưu ý tư thế ngồi và thời gian tiếp xúc với máy tính, điện thoại

Điều kiện đầu tiên là tư thế ngồi học phải đúng, khoảng cách giữa mắt và máy tính phải đúng. Tránh tình trạng có cháu nằm ra giường, có cháu ngồi nhưng không đúng tư thế hoặc nhìn quá gần, nhìn quá xa. Thứ hai là điều kiện ánh sáng chiếu sáng phải đầy đủ. Đôi khi đèn chiếu sáng không đầy đủ, mắt các con sẽ phải điều tiết bởi vì cỡ chữ ở phông nền nhiều khi không đồng đều, cỡ chữ to hoặc cỡ chữ nhỏ. Một yếu tố rất quan trọng nữa, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở các con, ngoài thời gian học chính thức nên để cho mắt nghỉ ngơi để cho mắt được thư giãn, giảm tình trạng điều tiết mắt.

Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ, bảo vệ mắt

Thạc sỹ BS Phạm Thị Hằng cho rằng có nhiều phương pháp để giảm bớt tình trạng chiếu sáng ánh sáng đến mắt. Ví dụ các bậc phụ huynh có thể cho con dùng kính chống ánh sáng xanh đối với những bạn có tật khúc xạ.
Thứ hai, với màn hình máy tính hoặc Ipad chúng ta có thể trang bị 1 màn hình nữa gọi là màn hình giúp giảm bớt cường độ chiếu sáng hoặc giảm bớt mức độ ảnh hưởng đến với mắt của các con.
Thứ ba, khuyến khích các con ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các quả màu đỏ như cà chua, cà rốt, bí đỏ hoặc các thực phẩm có chứa vitamin tốt cho vùng mắt, vitamin A, vitamin E.

Tự kiểm tra mắt cho con tại nhà để sớm phát hiện vấn đề về thị lực

Cho trẻ đứng cách xa 1 quyển lịch hoặc 1 cỡ chữ nhất định với khoảng cách 5m và hỏi con cỡ chữ từ to đến nhỏ. Chúng ta có thể che từng mắt, kiểm tra mắt phải cho con trước, kiểm tra mắt trái sau, quan tâm hỏi han con có phàn nàn tình trạng mắt mỏi không, đau đầu không.

Thường xuyên quan sát con. Nếu thấy con hay dụi mắt, hoặc con tiến gần đến TV để nhìn, hoặc khi con quan sát con sẽ chậm hơn... đó là dấu hiệu mắt có vấn đề. Ngoài ra, theo BS Phạm Thị Hằng, những trẻ bị lé có thể thấy mắt bị chúi vào trong hoặc mắt chúi ra ngoài. Có những bạn có sụp mi hoặc có những yếu tố bất thường như nháy mắt... Đây là những dấu hiệu cần lưu tâm.

Cho trẻ đi khám mắt định kỳ

Các BS nhãn khoa khuyến cáo, các bậc phụ huynh hãy cho con đi khám định kỳ bởi vì rất nhiều trường hợp khi đến khám mới phát hiện ra mắt con kém. BS Phạm Thị Hằng nhấn mạnh: “Có những bạn chỉ bị ở 1 mắt, 1 mắt vẫn 10/10 và 1 mắt chỉ có 1/10. Đấy là trường hợp rất đáng tiếc.” Các bố mẹ có thể quan sát cũng như phối hợp cùng với các BS chuyên khoa để có thể khám và đưa ra những chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời cho các con. Tránh tình trạng nhược thị tức là ảnh hưởng đến thị lực của mắt trong. “Việc học online không tránh tránh khỏi những tác hại nhưng chúng ta làm sao hạn chế để có thể giữ cho mắt của các con được tốt nhất” .