Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội dinh dưỡng và thực phẩm - TP Hồ Chí Minh - với tất cả mọi người nói chung, nước đóng vai trò quan trọng để duy trì các hoạt động cũng như giúp cơ thể khỏe mạnh, thoải mái. Đặc biệt trong trường hợp bị mắc Covid-19, việc cung cấp đủ nước càng cần được quan tâm nhằm giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh và phục hồi tốt hơn. Đồng thời, việc uống đủ nước còn có tác dụng bôi trơn màng phổi và cơ hoành là hai bộ phận rất quan trọng tham gia chức năng hô hấp. Đồng thời, uống nước đủ giúp cho hệ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, giúp điều hòa thân nhiệt và loại bỏ các chất thải, giải độc cho cơ thể.

Bệnh nhân Covid-19 rất cần duy trì nhịp tim, huyết áp ở mức ổn định và duy trì cân bằng điện giải. Khi bị sốt, tiêu chảy, nôn ói, chán ăn…người bệnh rất dễ bị mất nước dẫn đến mất cân bằng điện giải, hạ natri máu làm cho bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.

Dấu hiệu để nhận biết tình trạng mất nước thể nhẹ là người bệnh cảm thấy khát nước, da hơi khô, môi khô, lưỡi khô và tiểu ít.

Trường hợp mất nước nặng, bệnh nhân có các biểu hiện như da nhăn, nhịp tim tăng, nhịp thở tăng, huyết áp hạ, bệnh nhân đi tiểu ít hoặc không đi tiểu và nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hôn mê, trụy tim mạch dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp còn lưu ý, nếu không cung cấp đủ nước cho cơ thể, bệnh nhân Covid-19 rất dễ nhầm lẫn giữa các triệu chứng do thiếu nước gây ra với tình trạng nặng lên của bệnh: "Tình trạng thiếu nước, hạ Natri máu có thể làm cho người bệnh thấy chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, thở nhanh dẫn đến lầm tưởng bệnh tiến triển nặng lên hoặc bị suy hô hấp. Do đó, cần đặc biệt chú ý việc bổ sung nước trong quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân Covid-19” .

Cũng theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, bệnh nhân Covid-19 nên uống đủ nước, không nên uống quá nhiều so với nhu cầu của cơ thể.

“Một số người cho rằng khi mắc Covid-19 thì nên uống thật nhiều nước để rửa trôi virus khỏi vùng hầu họng và nhanh chóng khỏi bệnh là không đúng. Lượng nước được khuyến nghị là từ 40 đến 50 ml nước/ kg cân nặng/ một ngày. Có nghĩa là một người trưởng thành nên uống khoảng 8 đến 10 ly nước, tương đương 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Trong trường hợp bị sốt, tiêu chảy thì chúng ta phải tăng lượng nước cung cấp cho cơ thể lên nhưng cũng phải tùy thuộc vào thể trạng của từng người” – Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo.

Cách bổ sung nước khoa học là cứ 30 phút đến 1 tiếng uống nước một lần, mỗi lần khoảng 50 ml - 100 ml nước, không nên uống quá nhiều một lúc.

“Với người già và trẻ em, chúng ta thường thấy rất “lười” uống nước nhưng thực ra là do tế bào thần kinh nhận diện tình trạng thiếu nước của cơ thể ở hai nhóm này kém hơn người trưởng thành. Do đó, khi chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 là người cao tuổi và trẻ em, chúng ta nên chú ý chuẩn bị lượng nước cần uống và để sẵn trong phòng bệnh nhân đồng thời nhắc nhở người bệnh uống nước thường xuyên. Bên cạnh đó, người già và trẻ em thường không thích uống các loại nước có vị chua. Vì vậy, chúng ta nên lựa chọn loại nước có vị ngọt hoặc dễ uống.”, BS Ngọc Diệp phân tích.

Bệnh nhân có thể lựa chọn các loại nước lọc, nước khoáng, nước chanh pha loãng, nước ozerol, nước ép trái cây, nước chè xanh, nước vối … tùy thuộc vào sở thích và thói quen uống nước hàng ngày. Nước dừa tươi rất tốt cho bệnh nhân Covid-19 bởi trong loại nước này có một số vitamin, chất khoáng, đặc biệt là có Kali và Natri – hai chất điện giải rất cần thiết cho người bị sốt, tiêu chảy, mất nước.

Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng bệnh nhân Covid-19 nên uống nước chanh, xả, gừng, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết, loại nước này không có tác dụng điều trị bệnh. Tuy nhiên, có thể coi đây là một loại nước uống bổ sung cho cơ thể tương tự các loại nước khác với hương vị dễ chịu. “Chúng ta có thể đun sôi khoảng 25 gam sả, 10 gam gừng với 1 lít nước và vắt 1 quả chanh vào để uống. Không nên nấu nước quá đậm đặc, không nên cho nhiều gừng hoặc để nước quá lâu uống tronng nhiều ngày”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp hướng dẫn.